Theo dõi trên

Người phụ nữ Raglai gương mẫu

07/11/2024, 05:51

Chị Trần Thị Dung, sinh năm 1975, người dân tộc Raglai hiện là Trưởng thôn 2, xã Suối Kiết (Tánh Linh) không chỉ được mọi người biết đến yêu quý, vì sự giỏi giang vượt khó phát triển kinh tế gia đình mà còn gương mẫu là hạt nhân tích cực trong các hoạt động xã hội tại địa phương.

Thôn 2, xã Suối Kiết là thôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của xã, phần lớn người dân tộc Raglai với 427hộ/1.582 khẩu. Bà con sống chủ yếu bằng nghề nông trồng cao su, điều, bắp lai, mì và chăn nuôi dê, bò. Nhiều gia đình cũng tìm thêm thu nhập bằng cách làm thuê cạo mủ cao su cho các công ty và hộ dân diện tích lớn trong xã. Nhờ sự chăm chỉ và ý chí vượt khó, đời sống của bà con dân tộc Raglai trong thôn ngày càng khấm khá. Nhiều gia đình đã sắm xe máy, điện thoại thông minh và các tiện nghi khác nâng dần chất lượng cuộc sống.

Cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số thôn 2, xã Suối Kiết ngày càng ấm no.

Cũng như nhiều phụ nữ Raglai trong thôn, xuất phát từ gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ chị Dung đã thấu hiểu cảnh gian khổ của cuộc sống. Năm 1996, khi lập gia đình, chị cùng chồng bắt đầu cuộc sống riêng với hơn 7 sào đất rẫy trồng điều, tuy nhiên kinh tế vẫn luôn thiếu trước hụt sau. Chồng chị Dung lên rừng để thu hái thêm lâm sản phụ, bản thân chị ở nhà vừa lo nội trợ vừa chăn nuôi heo. Đến năm 2002, nhờ thụ hưởng Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, gia đình chị Dung được cấp 2 ha đất. Vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư trồng cây cao su từ Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp do tỉnh, huyện triển khai. “Thời gian cây cao su kiến thiết cơ bản tán chưa khép kín, gia đình trồng mì để xen canh, tăng thu nhập. Sau 6 năm trồng, cao su cho mủ, thời điểm đó mủ cao su được giá, gia đình tôi đã mạnh dạn mua thêm 3 ha đất để trồng cây điều và tràm nhằm đa canh phòng rủi ro. Gia đình tôi cũng chăn nuôi gà, đào ao nuôi cá, chồng tôi còn tham gia trong Đội nhận khoán quản lý bảo vệ rừng ở xã... nên đa dạng nguồn thu”, chị Dung chia sẻ.

Chị Dung áo cam thứ 2 trong Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc năm 2024 của xã

Hiện tại, kinh tế gia đình chị Dung đã vững vàng, với thu nhập hàng năm đạt khoảng 300 triệu đồng từ 4 ha đất sản xuất. Không chỉ lo kinh tế gia đình, chị Dung còn là trưởng thôn gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào xã hội tại thôn. Từ năm 2019 đến cuối năm 2023 Ban Điều hành thôn 2 đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa và lắp đặt 141 bóng đèn trên các tuyến đường tổng kinh phí 196 triệu đồng và 16 bóng đèn năng lượng mặt trời trị giá 23,2 triệu đồng và làm mới 165 trụ cờ dọc tuyến đường ĐT 720 và các đường liên xóm. Các tuyến đường được thắp sáng đã giúp đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ban Điều hành thôn 2 – xã Suối Kiết triển khai thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, chị Dung còn dành nhiều tâm huyết cho công tác an sinh xã hội như nỗ lực kết nối các đoàn thiện nguyện hỗ trợ quà cho gia đình hộ nghèo...

Theo nhận xét của UBND xã Suối Kiết, chị Trần Thị Dung, Trưởng thôn 2, xã Suối Kiết, là người phụ nữ Raglai gương mẫu, không ngại khó khăn, luôn tận tâm với công việc, cùng chung sức với Ban điều hành thôn trong các hoạt động. Nhiều năm qua, thôn 2 đã duy trì trên 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa, liên tục giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” suốt 5 năm liền. Bà con nơi đây không chỉ đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế mà còn luôn sẵn sàng sẻ chia, chăm lo cho người khó khăn, bảo vệ môi trường và thực hiện các công trình dân sinh tại địa phương... Nhiều mô hình hiệu quả như “Ánh sáng an ninh”, “An toàn giao thông”, hay hiến đất làm đường đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình, một phần nhờ nỗ lực tuyên truyền của chị cùng Ban điều hành thôn. Chính sự đồng lòng ấy đã giúp thôn 2 đổi thay từng ngày, đời sống người dân ngày càng khấm khá, ấm no hơn.

CÁT TƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuyện hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số Tánh Linh
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân, huyện miền núi Tánh Linh phát huy nguồn lực từ các dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Qua đó, đem lại diện mạo mới khang trang, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS huyện Tánh Linh.
Nổi bật
“Trao cần câu” tạo thêm thu nhập với hộ nghèo
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo tại Phan Thiết mở ra những cơ hội mới cho các hộ nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo. Đó là trao phương tiện kinh doanh không chỉ giúp cải thiện thu nhập mà còn tạo động lực cho người dân trong việc vươn lên.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người phụ nữ Raglai gương mẫu