Theo dõi trên

Nhà báo và nỗi niềm văn hóa ứng xử nơi công sở!

18/06/2020, 09:36

BT- Văn hóa công sở được quy định rõ ràng trong các văn bản, quy chế. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng bộ tiêu chí đánh giá văn hóa công sở và thái độ công chức, viên chức cũng như những chế tài xử lý vi phạm ứng xử. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó công sở chưa thật sự coi trọng vấn đề này?

                
Phóng viên Báo Bình Thuận phỏng vấn du    khách. Ảnh: Đình Hòa

 Thiếu văn hóa điện thoại

Nhiều văn bản, quy chế, bao gồm Quyết định 129/2007/QÐ-TTg về văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, Quyết định 1847/QÐ- TTg ngày 27/12/2018 về phê duyệt đề án văn hóa công vụ, đã được thi hành, để nơi công sở trở nên văn minh hơn. Đến nay nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện và có những chuyển biến tích cực, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về văn hóa công sở thay đổi rõ nét. Nổi rõ nhất là ở các phường, xã, bệnh viện... cán bộ, công chức đã chuẩn mực, chuyên nghiệp, thân thiện trong thực thi nhiệm vụ hơn so với trước kia.

Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó nơi công sở có cán bộ, công chức có thái độ chưa đẹp. Minh chứng điều đó, chúng tôi là những người làm báo hàng ngày đến các cơ quan, ban, ngành, xã, phường liên hệ công tác. Thông thường, phóng viên phải gọi điện hẹn gặp để lãnh đạo cơ quan đó sắp xếp thời gian làm việc. Nhưng có trường hợp ngoại lệ, như đi công tác ở cơ sở phát hiện một vấn đề đột xuất cần xác minh, trao đổi với lãnh đạo địa phương, thì phóng viên có thể vào gặp trực tiếp. Việc gặp trực tiếp, giống như kiểu hên – xui, có nghĩa là gặp được hoặc không. Nếu không gặp được sẽ phải xin số điện thoại về liên lạc lại.

Không thể phủ nhận, đa phần lãnh đạo địa phương rất nhiệt tình phối hợp và lịch sự tiếp phóng viên không chỉ khi gặp trực tiếp mà còn qua điện thoại, nhưng cũng còn có lãnh đạo địa phương cư xử chưa đúng mực. Điển hình, trong một lần chúng tôi đến một xã của huyện Bắc Bình, phát hiện bà con nơi đây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tuy có nước máy nhưng ngày có ngày không và nước còn bị hôi tanh, đục... Người dân không dám tắm, xúc miệng... phải đi mua nước bình về sử dụng. Trước tình trạng này, chúng tôi đến Trạm cung cấp nước sinh hoạt nông thôn xã để tìm hiểu. Nhưng tổ trưởng của trạm này lại bận công việc, dù chúng tôi chờ khá lâu. Không thể chờ thêm, chúng tôi đến UBND xã với hy vọng gặp được lãnh đạo xã, nhưng nhân viên văn phòng trả lời lãnh đạo đi họp và cho số điện thoại.

Trước khi thực hiện đề tài, chúng tôi gọi điện cho lãnh đạo xã này. Khi đầu dây bên kia bắt máy, tôi giới thiệu mình là phóng viên muốn trao đổi công tác. Vừa dứt lời, giọng một người đàn ông đáp lại: Chị nhầm máy rồi. Chúng tôi kiểm tra lại số điện thoại vì nghĩ có thể mình đã lộn số, nhưng thấy không sai và tiếp tục gọi lại thì nhận được trả lời tương tự cùng một giọng nói. Tiếp tục liên lạc thì người đàn ông ấy không bắt máy sau tiếng chuông đổ dài. Sau đó, tôi đi xác minh nhiều bên từ đồng nghiệp, danh bạ người phát ngôn của lãnh đạo địa phương, đối chiếu với số điện thoại vừa gọi thì đúng của lãnh đạo đó. Có thể vị lãnh đạo này không muốn trao đổi vấn đề của địa phương với chúng tôi, và từ chối gặp bằng cách không bắt máy tiếp chuyện.

Câu chuyện trên là điển hình, còn có vị lãnh đạo gọi điện nhưng không nghe. Thường thì mở điện thoại thấy có cuộc gọi nhỡ, thì người được gọi sẽ gọi lại hỏi người gọi cho mình hỏi có vấn đề gì, đó là phép lịch sự tối thiểu. 

 “Còn vô cảm”

Với cán bộ, công chức vẫn còn một bộ phận chưa thực sự xem trọng văn hóa ứng xử nơi công sở. Nếu là cán bộ, công chức các xã, phường thì có thể thông cảm bởi trình độ văn hóa hoặc môi trường làm việc, nhưng ở các phòng, ban cấp huyện, thị thì khó có thể chấp nhận. Trong nhiều lần đến Khối nhà làm việc các phòng, ban; Trung tâm quỹ đất... của TP. Phan Thiết liên hệ công tác, chúng tôi cảm nhận có “không khí thiếu văn hóa công sở”, nhất là phòng Q. Cung cách ứng xử của một số cán bộ, công chức ở đây không thân thiện. Theo quy định văn hóa công sở, khi người dân hoặc bất cứ ai đến công sở liên hệ công tác, cần được trả lời, chỉ dẫn về một vấn đề gì đó họ không biết, thì cán bộ, công chức nơi công sở khi tiếp nhận sẽ phải chỉ dẫn tận tình. Nhưng ở đây dường như không có được điều đó, trả lời, chỉ dẫn qua loa với hành động, cử chỉ, ánh mắt thiếu thân thiện, có cảm giác rất vô cảm. Phải thừa nhận người dân đến liên hệ công việc phàn nàn cung cách ứng xử ở đây là đúng, bởi chúng tôi đã từng như vậy.

Là cán bộ, công chức thì càng phải ý thức về văn hóa ứng xử, để xứng đáng với lòng tin của nhân dân. Đừng để người dân đánh giá cán bộ, công chức không bằng như các nhân viên bán hàng. Bởi các công ty, doanh nghiệp hiện nay yêu cầu các nhân viên của mình, đặt tiêu chí văn hóa ứng xử với khách hàng lên hàng đầu và đó cũng là nếp sống văn minh.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà báo và nỗi niềm văn hóa ứng xử nơi công sở!