Mới đây, một nhà hàng trên địa bàn huyện Tánh Linh được một người tên Nhi, tự giới thiệu là giáo viên và đặt bàn cho 27 người ăn. Khi quán yêu cầu đặt cọc thì Nhi đồng ý và lấy lý do là giáo viên nữ không biết nơi mua rượu vang nên Nhi nhờ nhà hàng mua giùm. Tương tự, ngày 11/5, một quán ăn ở TP. Phan Thiết cũng nhận được cuộc gọi của người tự xưng là giáo viên đặt bàn tiệc cho 25 người ăn. Người này cũng nhờ quán mua giúp 25 chai rượu vang để tặng cho thầy cô. Thấy thủ đoạn giống với các thủ đoạn mà trên mạng xã hội đang cảnh báo thời gian qua nên chủ 2 cơ sở này đã không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng.
Nhờ các trang mạng xã hội cảnh báo mà chủ 2 cơ sở trên đã không “dính bẫy” của những đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên các nhà hàng, quán ăn cần cảnh giác với thủ đoạn này. Các đối tượng thường sử dụng cách thức đặt bàn số lượng lớn và yêu cầu kết bạn zalo để gửi thực đơn món ăn. Sau đó, các đối tượng nhờ chủ nhà hàng mua loại rượu, ba tê… khó mua ở những địa phương. Rồi sau đó giới thiệu cho chủ nhà hàng quán ăn công ty có bán loại rượu, ba tê… đó để chủ nhà hàng đặt cọc mua hàng. Khi chủ nhà hàng đặt cọc mua rượu, ba tê… thì các đối tượng không giao hàng mà chiếm đoạt luôn số tiền này.
Tại TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện thủ đoạn lừa đảo tương tự nhưng với cách thức tinh vi hơn nhiều. Các đối tượng sau khi đặt bàn ăn đã chuyển khoản đặt cọc, sau đó họ lại nhờ mua rượu với số lượng lớn và giới thiệu đơn vị cung cấp loại rượu đó cho chủ nhà hàng. Để tạo niềm tin, các đối tượng đã chuyển cho chủ nhà hàng một hình ảnh thể hiện đã chuyển toàn bộ số tiền nhờ đặt mua rượu, nhưng đây là hình ảnh giả mạo. Tài khoản ngân hàng của chủ nhà hàng không hề có người chuyển tiền vào. Khi chủ nhà hàng thắc mắc chưa nhận được tiền chuyển khoản thì các đối tượng lấy lý do như: Mạng bị lỗi, hay chuyển khác ngân hàng vào ngày cuối tuần nên tiền chuyển chậm... Vì tin tưởng nên chủ nhà hàng đã chuyển khoản đặt cọc mua rượu cho các đối tượng. Khi chủ nhà hàng chuyển khoản vào công ty rượu mà các đối tượng giới thiệu thì các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền này đồng thời cắt liên lạc. Với thủ đoạn này các đối tượng đã lừa đảo của chủ một nhà hàng ở quận Thủ Đức số tiền hơn 100 triệu đồng.
Các ngành chức năng khuyến cáo, ngoài thủ đoạn lừa đặt bàn tiệc, các đối tượng còn đặt phòng khách sạn du lịch, sau đó nhờ chủ khách sạn mua quà tương tự như trên. Thực chất, đối tượng đặt tiệc và đối tượng nhận bán hàng cùng chung một nhóm lừa đảo. Vì vậy chủ các cơ sở kinh doanh cần cảnh giác không nên mua giùm bất cứ mặt hàng nào do các đối tượng chưa quen biết nhờ.