Đây là trại sáng tác được mở song song với cuộc thi sáng tác để giúp các tác giả dự thi có điều kiện hoàn thiện tác phẩm đang viết dở và có những tác phẩm mới viết về những đề tài nóng bỏng của địa phương lúc bấy giờ. Sau mấy ngày tập trung được bồi dưỡng cấp tốc những vấn đề cơ bản về lý luận và nghiệp vụ sáng tác, các tác giả dự trại (khoảng 15 người) được chia thành 2 đoàn đi về cơ sở. Anh Võ Hoàng Minh theo đoàn đi Đức Linh (phía Nam tỉnh) do nhà văn Phan Minh Đạo - Trưởng ty phụ trách, tôi được phân theo đoàn đi Phước Sơn (phía Bắc tỉnh) do kịch tác gia Ngô Quang Thắng - Phó Trưởng ty chịu trách nhiệm. Thời gian thâm nhập thực tế của mỗi đoàn không dài nhưng cũng đủ cho các tác giả biết thêm về một vùng đất mới và có được những tác phẩm phác thảo đầu tiên, báo cáo Ban Tổ chức. Trong buổi lễ tổng kết trại, một số tác phẩm nổi trội đã được biểu dương, anh Võ Hoàng Minh có truyện ngắn “Ông Mùi” được đánh giá cao cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Xin nói thêm, anh cũng là tác giả đầu tiên của tỉnh có sách được in ở Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng - Hà Nội, đó là cuốn “Đội bóng rổ thiếu niên” với số lượng cả vạn bản.
Anh về công tác ở Hội từ lúc còn là Ban vận động với bộn bề gian nan, và tình cảm giữa chúng tôi cũng thân thiết từ đây cho mãi đến sau này. Sở trường của anh là viết về đối tượng thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn, với những rung động đầu đời trong sáng, hồn nhiên, đầy ắp mộng mơ và đôi khi pha một chút lãng mạn rất đáng yêu. Bên cạnh đó, anh còn cộng tác với họa sĩ Đỗ Hoàng Tường (TP. Hồ Chí Minh) cho ra đời nhiều bộ truyện tranh khá hấp dẫn, về sau, với khả năng tự học tiếng Anh, anh có thêm niềm đam mê dịch thuật. Vốn xuất thân từ nhà giáo nên hầu hết tác phẩm của anh đều ít nhiều mang dấu ấn nghề nghiệp: chỉn chu, mô phạm, đúng mực. Sau khi anh mất, nhà giáo - nhà văn Ngô Đình Miên - bạn cùng lớp Sư phạm Đà Lạt trước năm 1975 với anh cho biết thêm, niềm say mê truyện tranh đã được anh ấp ủ, nuôi dưỡng từ lúc còn đứng trên bục giảng.
Giai đoạn đầu, hoạt động của Hội gặp nhiều khó khăn, và đây cũng là khó khăn chung của các Hội Văn nghệ cấp tỉnh. Còn nhớ, có thời gian anh được phân công vào TP. Hồ Chí Minh, tìm đối tác tổ chức liên kết xuất bản để qua đó, hỗ trợ việc giới thiệu tác phẩm của hội viên. Đến giờ, tôi vẫn còn giữ một số xuất bản phẩm dưới dạng liên kết này như: Tập san Tuổi hoa, Cảo thơm (xuất bản không định kỳ), Tập san Văn hóa Văn nghệ Gia đình và vài ba ấn phẩm chuyên đề khác. Ai đã từng tiếp xúc với anh sẽ dễ dàng nhận ra, Võ Hoàng Minh là người điềm đạm, chừng mực, không thích ồn ào khoa trương. Dường như những gì cần nói, phải nói anh đã kín đáo gởi hết vào trong tác phẩm của mình. Những năm 80 thế kỷ trước, tôi và anh có chung nhiều kỷ niệm nghề nghiệp: khi thì đi thâm nhập thực tế sáng tác tại HTX Mê Pu (Đức Linh), lúc thì tham gia giao lưu chương trình Tuần san Văn nghệ trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh Thuận Hải. Vào mùa hè năm 2014, hai anh em lại cùng tham gia hướng dẫn và chấm bài cho Trại sáng tác văn học dành cho các em học sinh cấp III có năng khiếu văn chương của tỉnh.
Khi Hội xuất bản tập thơ đầu tay của tôi (tập thơ Biển thức - 1987), anh là người đầu tiên có những ý kiến động viên, cổ vũ tôi một cách chân thành. Cuối tháng 9/1987, khi Hội phối hợp với CLB Thanh thiếu nhi tỉnh giới thiệu tập thơ của tôi và Ca khúc của nhạc sĩ Đức An, anh nhiệt tình ủng hộ. Đầu tháng 12/2017, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Đêm Thơ & Nhạc giới thiệu tác phẩm tiêu biểu của tôi, anh đến rất sớm và ngồi xem trọn vẹn chương trình tại sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Biết tôi là người ham đọc sách, mỗi khi có dịp vào TP. Hồ Chí Minh công tác, anh thường mua tặng tôi những tác phẩm văn học quý hiếm mà các hiệu sách ở Phan Thiết không có bán. Khi không còn công tác ở cơ quan Hội, anh vẫn là một trong những cộng tác viên gắn bó với tạp chí Văn nghệ Bình Thuận, mặc dù nhuận bút thấp và số lượng phát hành không cao. Các tác phẩm đã xuất bản của anh gồm có: Thị trấn ven biển (tập truyện ngắn - in chung với nhà văn Mai Sơn), Đội bóng rổ thiếu niên, Ở nhà một mình, Rộn ràng chân sáo, Mùa hè, nắng, cát và…; các tập truyện tranh: Quạt mo thần (3 tập), Ốc Bông và Beo, Đường dây ma túy (nhiều tập)... Về dịch thuật, ngoài tập tiểu thuyết “Chim ưng vẫy cánh” của Daphne Du Maurier khá dày dặn, được NXB Đồng Nai in cách đây hơn 30 năm, anh còn cả 100 truyện ngắn dịch từ tiếng Anh đã công bố rải rác trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương, nhưng chưa in thành sách. Quá trình lao động nghệ thuật, anh đã nhận được nhiều giải thưởng của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), NXB Kim Đồng, Tuần báo Khăn quàng đỏ (TP. Hồ Chí Minh) và NXB Đồng Nai. Anh là một trong số những hội viên đầu tiên của Hội được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam (2002).
Khi biết anh lâm bệnh, phải chuyển viện vào Sài Gòn, tôi cứ nghĩ chắc anh sẽ vượt qua vì còn bao nhiêu dự định văn chương anh vẫn chưa thực hiện. Nhưng rồi giữa mùa đại dịch Covid-19 phức tạp và dai dẳng, anh đã ra đi vĩnh viễn. Tuần rồi, khi sắp xếp lại tủ sách gia đình, bắt gặp nét bút và chữ ký đề tặng của anh trên các đầu sách văn học, tự dưng nước mắt tôi trào ra. Trong số những cây bút được phát hiện và vinh danh tại cuộc thi sáng tác VHNT đầu tiên của tỉnh, theo tôi anh rất xứng đáng đứng vào đội ngũ Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng có đôi lần, tôi đề cập chuyện này với anh nhưng anh khiêm tốn bảo rằng, anh còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Hiện nay, các cơ quan chức năng ở Trung ương đang chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động cụ thể tiến tới tổng kết, đánh giá 50 năm VHNT Việt Nam, tính từ ngày đất nước thống nhất. Tôi nghĩ, đối với văn học Bình Thuận, nhà văn Võ Hoàng Minh là một trong tác giả đã có những đóng góp rất đáng trân trọng, cần được ghi nhận thỏa đáng trên cả hai phương diện: sáng tác và dịch thuật.