Những con tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng thường xuyên hư hỏng. Ảnh minh họa |
Mới đây, tại huyện đảo Phú Quý, Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long, bàn giao tàu cá vỏ thép dài 27,88m, rộng 7,4m, chiều cao mạn 3,15m, mớn nước tải 2,4m, đóng tại Nam Định, cho ngư dân Trần Minh Sang. Tàu được trang bị máy chính công suất 829CV; 2 máy phát điện công suất 62 kW; hệ thống lái điện thủy lực; cần cẩu thủy lực 2,5 tấn và tời neo 1,5 tấn. Với con tàu sắt này, ngư dân Trần Minh Sang có thể đi khơi dài ngày (200 hải lý tính từ bờ ra). Đây là 1 trong 7 chiếc tàu vỏ thép mà ngư dân Phú Quý hợp đồng đóng. Dự kiến, thời gian tới, đơn vị đóng tàu sẽ bàn giao 2 tàu vỏ thép nữa cho ngư dân Phú Quý. Đây là tin vui với ngư dân Phú Quý, rộng ra là Bình Thuận vì tỉnh đã có những con tàu vỏ thép đi đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, vẫn thấy ở đâu đó nỗi quan ngại về sự hoạt động của con tàu. Bằng chứng, nhiều con tàu vỏ thép của một số tỉnh, đặc biệt là Bình Định, sau khi bàn giao thì số ngày hoạt động không cao, đa phần nằm bờ để sửa chữa. Theo thông tin trên Báo Người Lao Động, ngày 22/5, một chủ tàu vỏ thép tên là Trần Văn Đạo đã đến tòa soạn báo này cho hay: Năm 2015, ông hợp đồng đóng 1 tàu cá vỏ thép công suất 940 CV, trị giá hơn 18,7 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu, trụ sở ở TP. Hải Phòng. Thế nhưng, con tàu của ông nằm bờ nhiều hơn ra biển vì thường xuyên hư hỏng. Không có tiền trả lãi vay đóng tàu, sổ đỏ nhà ông phải nằm trong ngân hàng, nợ nần chồng chất, không còn khả năng xoay trở để tiếp tục đi khơi. Tương tự, ông Đinh Công Khánh ở Cát Khánh, Phù Cát (Bình Định), chủ tàu vỏ thép, công suất 940CV cũng do Công ty Nam Triệu đóng. Tàu của ông Khánh trên đường đi Trường Sa, chuyến biển đầu tiên, thì máy ướp đá bị hư nên phải quay về sửa chữa. Đến tháng 3 vừa qua, tàu đi chuyến thứ hai nhưng vừa ra cửa biển thì hộp số máy tàu bị hỏng, đành quay vào bờ…
Cũng nói về vấn đề này, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, xác nhận: “Trong 44 tàu vỏ thép của tỉnh đang hoạt động có 17 chiếc bị hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau vài chuyến biển”. Còn tại Quảng Ngãi, trong 13 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP, có 2 tàu liên tục gặp sự cố. Như vậy, số tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP gặp sự cố không phải ít. Một số nguyên nhân được nêu như sau: Do các đơn vị đóng tàu thực hiện sai hợp đồng. Thép đóng tàu không phải là thép tốt mà thép xuất xứ từ Trung Quốc. Máy tàu đã qua sử dụng, tân trang lại… Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác đang được làm rõ.
Trở lại chuyện con tàu vỏ thép của ngư dân Phú Quý, câu hỏi đặt ra là nó có được đóng đúng hợp đồng (từ phần chất liệu vỏ tàu, máy móc, các thiết bị khác đi kèm). Nếu đúng thì là quá tốt cho người sở hữu bởi tàu sẽ ít nằm bờ, nhờ đó mà tăng thu nhập. Ngược lại, sẽ rất tốn kém để khắc phục, sửa chữa con tàu và lẽ tất nhiên tiền bạc sẽ vơi đi. Có đơn vị nào, tổ chức nào giúp ngư dân giám sát việc đóng tàu, cũng như thông báo với họ về tình trạng kỹ thuật con tàu trước khi bàn giao? Tôi không phải là ông Trần Minh Sang, để có thể nói hết bao nỗi lo, nhưng tôi biết, chủ nhân của con tàu mới đóng không khỏi lo những chuyến biến sắp tới… sẽ ra sao, ngày sau thế nào?
Hà Thanh Tú