Tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại
Trong năm qua, Liên minh HTX tỉnh – cơ quan chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn Luật HTX và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác cho 600 học viên là đoàn viên, thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp bằng mô hình HTX; tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho 200 cán bộ quản lý, người lao động trong HTX. Bên cạnh đó, đã phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền, giới thiệu các mô hình hay, cách làm mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để các sáng lập viên, người dân thấy lợi ích của việc tham gia HTX. Liên minh HTX còn phối hợp cùng các ngành tham mưu xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trình UBND tỉnh xem xét. Tổ chức cho hơn 40 lượt HTX tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh và tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Tuyên Quang... Đồng thời, hỗ trợ 7 HTX kết nối mua bán sản phẩm với chuỗi cửa hàng nông sản sạch thuộc Công ty TNHH Toản Xuân - tỉnh Nam Định; Tổ chức Hội nghị tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình HTX kiểu mới, kết nối giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của các HTX trong và ngoài tỉnh sau 10 năm thực hiện Luật HTX 2012...
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mô hình HTX kiểu mới vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vẫn còn tình trạng hoài nghi vào mô hình HTX kiểu cũ, chưa tạo động lực cho người dân tự nguyện tham gia HTX kiểu mới. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tuy có chuyển biến nhưng chưa đi vào chiều sâu. Đặc biệt, việc củng cố, giải thể HTX chưa được các địa phương quan tâm thực hiện, vẫn còn nhiều HTX ngưng hoạt động kéo dài, tồn tại hình thức. Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển còn hạn chế, một số chính sách thực hiện dàn trải, chưa tạo động lực để phát triển HTX.
Vẫn còn HTX tồn tại hình thức
Tồn tại những hạn chế trên là do hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh chưa rõ nét, dẫn đến việc phổ biến nhân rộng các điển hình còn hạn chế, từ đó chưa thuyết phục người dân tham gia HTX. Một số địa phương đã vận động thành lập nhiều HTX để đủ tiêu chí xét đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới mà không dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân, HTX không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dẫn đến nhiều HTX sau khi thành lập không hoạt động. Không chỉ vậy, khả năng tiếp cận chính sách của các HTX gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ nguồn vốn và tiếp cận quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nên thiếu sự khích lệ, động viên, hỗ trợ thúc đẩy phát triển HTX. Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hiện nay chủ yếu được vận dụng từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này được phân khai trễ đã ảnh hưởng đến các hoạt động hỗ trợ HTX trong năm qua. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể hầu hết đều kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, kiến thức và kinh nghiệm về kinh tế hợp tác, HTX còn hạn chế. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo phát triển HTX trên địa bàn phụ trách...
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2023, Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh đã có giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết. Tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách thu hút cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc trong các HTX. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX hiện có, đảm bảo tính chất và nguyên tắc hoạt động của mô hình HTX kiểu mới; kiên quyết giải thể những HTX tồn tại hình thức, ngưng hoạt động kéo dài. Ngoài ra, khuyến khích phát triển bền vững KTTT, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng. Nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thương mại, dịch vụ, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; tạo điều kiện từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường; huy động mọi nguồn vốn để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, thực hiện chuyển đổi số; tổ chức cho KTTT tham gia vào các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Thành lập mới các HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế trên địa bàn tỉnh. Từng bước liên kết sáp nhập các HTX có quy mô nhỏ để hình thành các HTX có quy mô lớn đủ sức cạnh tranh với các loại hình kinh tế khác...