Theo dõi trên

Nhân viên ngân hàng góp phần phòng, chống tội phạm

29/05/2024, 08:13

Lừa đảo qua không gian mạng với đủ hình thức, chiêu trò khiến nhiều người khốn đốn. Để giúp người dân giao dịch qua hệ thống ngân hàng an toàn, ngành ngân hàng đã phát động phong trào “Nhân viên ngân hàng góp phần phòng, chống tội phạm”. Phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Én – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận.

z5486301222287_79b9f01a7c25383b55b6226e76bca10d.jpg
ông Phan Thanh Én - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận. 

Thưa ông, hiện nay tình trạng lừa đảo chuyển tiền trên không gian mạng xảy ra rất nhiều, ở Bình Thuận diễn biến thế nào?

Ông Phan Thanh Én: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng, cả nước nói chung đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong lĩnh vực ngân hàng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức, gây hoang mang, thiệt hại cho khách hàng, làm giảm uy tín đối với ngân hàng.

Chỉ trong tháng 4 và tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh các cơ quan chức năng (công an, kiểm sát, tòa án…) lừa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt. Điển hình là ngày 9/4/2024, khách hàng SN 1956 ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam bị đối tượng lừa chuyển số tiền 1,8 tỷ đồng, được Agribank chi nhánh Hàm Mỹ kịp thời phát hiện, phối hợp Công an xã Hàm Mỹ ngăn chặn. Ngày 12/4/2024, khách hàng SN 1954 ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam bị đối tượng lừa chuyển số tiền 450 triệu đồng, được BIDV chi nhánh Bình Thuận kịp thời phát hiện, phối hợp PA05-Công an tỉnh ngăn chặn. Ngày 3/5/2024, khách hàng SN 1958 ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc bị đối tượng lừa chuyển số tiền 3,2 tỷ đồng, được Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc kịp thời phát hiện, phối hợp Công an thị trấn Ma Lâm ngăn chặn... Từ các vụ việc trên, có thể thấy tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Qua đây, cho thấy tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm và vai trò của các ngân hàng trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn nạn nhân chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

ngan-hang-1.jpg

Ở góc độ quản lý, ngành ngân hàng có khuyến cáo gì giúp người dân tránh bị lừa?

Ông Phan Thanh Én: Để phòng, chống và bảo vệ mình khỏi các hình thức lừa đảo như trên, người dân cần giữ bình tĩnh và không bị đánh lừa bởi áp lực tâm lý và đe dọa. Hãy tự xác minh danh tính và thông tin của người gọi bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức của cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan qua các kênh chính thức. Không cung cấp thông tin cá nhân hay tiền bạc qua điện thoại, email hoặc các phương tiện truyền thông khác. Nếu nhận được cuộc gọi đe dọa hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn. Điều lưu ý, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không yêu cầu người dân chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm qua điện thoại một cách đột ngột mà không có văn bản thông báo trước.

Nhằm thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận đã phát động phong trào “Nhân viên ngân hàng góp phần phòng, chống tội phạm”, cũng như để hỗ trợ khách hàng trong việc nhận diện, phát hiện, ngăn chặn các hành vi tội phạm, lừa đảo, dẫn đến mất tiền của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về phòng, chống tội phạm trong thanh toán, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo trực tuyến... cho cán bộ, nhân viên để có biện pháp phòng ngừa kịp thời, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cả khách hàng và ngân hàng. Qua đó, quán triệt đến tất cả cán bộ, nhân viên trong quá trình giao dịch trực tiếp với khách hàng, nếu phát hiện các giao dịch có dấu hiệu nghi vấn, cần phải tìm hiểu, giải thích ngay cho khách hàng biết về phương thức, thủ đoạn của tội phạm để khách hàng hiểu và ngừng ngay các giao dịch, cần thiết, phối hợp cơ quan công an và các cơ quan khác giải quyết.

ngan-hang.jpg
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh thông tin, truyền thông, cảnh báo khách hàng về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận của tội phạm để nhận biết và phòng tránh; hướng dẫn khách hàng về đảm bảo an ninh, an toàn khi giao dịch trên môi trường điện tử; niêm yết công khai với khách hàng về các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua nhiều kênh như email, tin nhắn, mục thông báo trong các ứng dụng Smart Banking, trang web ngân hàng, các clip ngắn hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến an toàn... Khuyến cáo với khách hàng về các việc nên làm và không nên làm, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình sử dụng dịch vụ để tránh rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo; phối hợp với các lực lượng chức năng, công an, cung cấp đường dây nóng hoặc địa chỉ email để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng.

Ngoài ra các ngân hàng, nhất là bộ phận nhân viên thường tiếp cận giao dịch với khách hàng cần hỗ trợ khách hàng trong việc phát hiện, nhận diện, ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo, các hành vi bất thường, mất kiểm soát của khách hàng dẫn đến mất tiền. Có chính sách tuyên dương, động viên, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cán bộ ngân hàng có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo trực tuyến trong lĩnh vực ngân hàng...

Xin cảm ơn ông!

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mưa đến, cảnh giác bệnh sốt xuất huyết
Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) của Bình Thuận giảm so với cùng kỳ, nhưng mỗi người dân cảnh giác bệnh này, bằng cách kiểm soát trung gian truyền bệnh trong cộng đồng là một hoạt động cần thiết và quan trọng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân viên ngân hàng góp phần phòng, chống tội phạm