Theo dõi trên

Nhiều chuyển biến tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng

25/12/2023, 05:08

Năm 2017, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện Chỉ thị số 13, công tác bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, bên cạnh đó cũng còn không ít hạn chế, bất cập…

Chuyển biến tích cực

Tại Kết luận 61- KL/TW, Ban Bí thư khẳng định, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế, chính sách, pháp luật được tiếp tục hoàn thiện; công tác quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy về lâm nghiệp được quan tâm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được tăng cường. Công tác quy hoạch, điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được triển khai ở nhiều địa phương. Chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên được thực hiện nghiêm.

chay-rung.jpg
Lực lượng bảo vệ rừng làm ranh cản lửa để ngăn cháy lan.

Mặt khác, các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến rừng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Công tác bảo vệ, ngăn chặn nạn phá rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp có tiến bộ, giảm số vụ và mức độ thiệt hại. Diện tích và chất lượng rừng ngày càng tăng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%. Kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng nhanh. Đời sống, việc làm, thu nhập của người dân ở khu vực có rừng, trong đó có các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện…

rung-nui-ong.jpg
Cây rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Trên tinh thần Chỉ thị số 13, Bình Thuận đã triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Công tác kiểm tra, truy quét chống phá rừng được tăng cường và tập trung tại các điểm nóng, vùng giáp ranh với các tỉnh, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện thường xuyên. Bình Thuận cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng. Riêng năm 2023, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 269 vụ vi phạm (tăng 38 vụ so với cùng kỳ). Hiện đã ra quyết định khởi tố hình sự 6 vụ, xử phạt hành chính 203 vụ; tịch thu 181 m3 các loại, 11 kg động vật rừng. Bên cạnh, việc sử dụng công nghệ ảnh viễn thám cũng đang phát huy hiệu quả khi phần mềm này đã gửi tin cảnh báo 202 điểm nghi ngờ biến động hiện trạng tài nguyên rừng. Kết quả xác minh cho thấy, có 160 điểm được phần mềm cảnh báo do khai thác rừng trồng với diện tích trên 230 ha, 3 điểm phá rừng với diện tích 2,59 ha; các điểm còn lại do rừng rụng lá, cháy thực bì và một số nguyên nhân khác.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Bí thư xác định: Cơ chế, chính sách, pháp luật về lâm nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa đồng bộ với pháp luật chuyên ngành khác, nhất là pháp luật về đất đai. Ngân sách nhà nước, đầu tư xã hội cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế. Trong khi đó, chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng chưa phù hợp với lợi ích chính đáng của người được giao, nhận khoán. Chưa khai thác hiệu quả, bền vững giá trị của hệ sinh thái rừng; dịch vụ môi trường rừng chưa phát triển.

Việc thực hiện các giải pháp trồng rừng, phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng, hạn chế suy thoái rừng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến xói mòn, lũ lụt, sạt lở đất... ngày càng tăng. Đời sống người làm nghề rừng, người dân ở khu vực có rừng còn nhiều khó khăn. Những hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững chưa đầy đủ. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền thiếu quyết liệt, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị. Một số địa phương buông lỏng công tác quản lý rừng; chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm chưa nghiêm; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhưng thiếu nguồn lực thực hiện.

img20230318075046.jpg
Các hộ nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng.

Phát triển các mô hình bảo vệ rừng

Với những kết quả đạt được, hạn chế đã chỉ ra, đặc biệt là chỉ đạo của Ban Bí thư về thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Bình Thuận đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW. Trong đó xác định, rừng là tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất quan trọng, có khả năng tái tạo, yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh. Rừng còn là không gian sinh tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa gắn với đời sống, sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì thế, phải đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, hướng đến thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen trong tiêu dùng, sản xuất, sinh hoạt, góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Gắn trách nhiệm quản lý, phát triển rừng đến từng chủ rừng, người được giao rừng, cho thuê rừng phải bảo đảm toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn. Chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, sản lượng rừng trồng. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp, gắn trồng rừng với khai thác, chế biến và thương mại lâm sản.

Bên cạnh, hiện đại hóa ngành công nghiệp chế biến lâm sản, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, gỗ có chứng chỉ, áp dụng công nghệ tiên tiến, chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu, phát triển vật liệu mới thay thế gỗ, gỗ kết hợp vật liệu thân thiện với môi trường. Phát triển các mô hình bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn với nuôi trồng thủy sản. Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của rừng gắn với lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc. Thực hiện nghiêm quy định rừng tự nhiên chỉ được chuyển mục đích sử dụng để phục vụ quốc phòng, an ninh, dự án quan trọng quốc gia và dự án cấp thiết khác…

LÊ PHÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Du lịch sinh thái rừng già
Con đường rừng Phan Dũng đi Tà Năng không dài lắm nhưng ngoằn ngoèo, nhiều đồi dốc và suối sâu. Dường như từ khi ngành chức năng cắm 30 biển báo, chỉ dẫn trên tuyến đường mòn này thì các phượt thủ và tour du lịch qua lại nhiều và an toàn hơn. Họ khám phá cả khu rừng già lâu nay ít người qua lại.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều chuyển biến tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng