Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo. Đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Bình Thuận có đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và một số đơn vị liên quan.
Báo cáo của Ban Nội chính trung ương cho biết, năm 2023, ngành Nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra. Nổi bật là công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong năm, các ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng ở trung ương; đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo (tính từ khi thành lập đến nay đã đưa 679 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo). Các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022). Đặc biệt, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý.
Đối với Bình Thuận, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường. Bình Thuận đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế - chức vụ, tiêu cực có chuyển biến tích cực; đã xử lý xong 5 vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng đạt tỷ lệ cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (kể cả công tác giám sát của cơ quan dân cử) có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả được nâng lên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà ngành Nội chính của Đảng, PCTNTC đạt được trong năm 2023. Đồng chí chỉ đạo trong năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng, bởi còn 2 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, do vậy cần tiếp tục tăng tốc, tạo nền tảng vững chắc cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. “Công tác đấu tranh PCTNTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Chính vì vậy cần thực hiện với phương châm kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, chủ động phát hiện phòng ngừa kịp thời; xử lý đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị các đơn vị, địa phương cần tập trung đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo hướng đi vào chiều sâu, thể hiện rõ tính phòng ngừa “từ sớm, từ xa”. Tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trong việc tự soi, tự sửa, phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, phối hợp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm tiếp tục củng cố, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc cho biết, Ban Nội chính Trung ương và các Ban Nội chính tỉnh, thành uỷ sẽ tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Trưởng ban Nội chính Trung ương khẳng định: Công tác của ngành Nội chính Đảng nói riêng và các cơ quan nội chính nói chung luôn là những vấn đề khó, nhạy cảm vì đụng chạm đến sinh mệnh chính trị của con người, liên quan chặt chẽ đến sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng cần phải bản lĩnh, liêm chính, có "trái tim nóng" và "cái đầu lạnh"; thận trọng, khách quan, công tâm; luôn cầu thị, khiêm tốn, học hỏi nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, phối hợp với các cơ quan nội chính chặt chẽ, kiên quyết, kiên trì, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.