Theo dõi trên

Nhiều người chưa biết đến chính sách trợ giúp pháp lý

21/09/2022, 05:21

112 đối tượng được trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng, là kết quả cao nhất mà Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh thụ lý, thực hiện từ năm 2021 đến nay. So với lượng án trên địa bàn tỉnh, thì con số trên vẫn còn khiêm tốn.

Con số còn khiêm tốn

Trợ giúp pháp lý miễn phí - một chính sách nhân văn bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước. Những người được hưởng chính sách gồm: Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Người có công với cách mạng; Người thuộc 1 trong các trường hợp khó khăn về tài chính: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

img_0783.jpg
Lãnh đạo một trong những cơ quan tố tụng  ý kiến đóng góp nâng cao TGPL tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra Trung ương.

Theo thống kê của TAND tỉnh, từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021, TAND 2 cấp của tỉnh đã thụ lý 10.108 vụ việc. Thế nhưng, đối tượng được TGPL chỉ vài chục người mỗi năm, minh chứng từ năm 2021 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho 112 đối tượng, trong đó năm 2021 có 53 vụ việc. “Số người trong diện được TGPL đến với trung tâm chủ yếu là các cơ quan tố tụng giới thiệu hoặc hướng dẫn đến. Rất ít người tự tìm đến trung tâm, họ chưa biết nhiều về chính sách này”, bà Nguyễn Thị Kiều Châu – Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết.

Tại buổi kiểm tra về công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng Trung ương (gọi tắt Đoàn kiểm tra Trung ương) nhận xét Bình Thuận có số vụ TGPL còn thấp. “Số vụ được TGPL hiện nay so với lượng án trên địa bàn tỉnh không nhiều. Trung bình một trợ giúp viên thực hiện 23 vụ việc, nhưng ở Bình Thuận trung bình chỉ khoảng 16 vụ việc”, bà Vũ Thị Hoàng Hà – Phó Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp nêu.

Nhiều nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế thì nhiều, nhưng nổi rõ là do việc giải thích về chính sách TGPL của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn mang tính hình thức chưa rõ ràng cho đương sự - những người trong diện được TGPL, nên họ không hiểu về chính sách này, nên từ chối vì sợ phải trả tiền cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên khi tham gia tố tụng. Ngoài ra, chế độ bồi dưỡng thấp nên các luật sư không muốn tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý... “Chế độ bồi dưỡng vốn đã thấp, thủ tục thanh toán còn rườm rà... nên các luật sư cộng tác viên không mặn mà với việc tham gia TGPL. Cần phải có cơ chế khuyến khích họ tham gia vào công tác TGPL thì mới hiệu quả”, bà Châu nói thêm.

Một yếu tố quan trọng nữa là thiếu nhân lực, kinh phí eo hẹp nên khó chủ động triển khai những công việc cần thiết nâng cao chất lượng hoạt động TGPL. Cụ thể, Trung tâm TGPL Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp chỉ có 11 biên chế; kinh phí chi hoạt động nghiệp vụ bao gồm tổ chức tọa đàm, hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, truyền thông... gói gọn 500 triệu đồng/ năm. So với các tỉnh, thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu... nơi Trung tâm TGPL Nhà nước có một đội ngũ trợ giúp viên “hùng hậu” từ 15 đến hơn 20 người. Kinh phí hoạt động nghiệp vụ của họ cũng khá cao từ 700 triệu đồng/năm trở lên. “Với số biên chế và kinh phí hạn hẹp đó sẽ ảnh hưởng hoạt động TGPL, Sở Tư pháp tiếp tục đề nghị UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện kinh phí cho Trung tâm TGPL triển khai hoạt động”, bà Vũ Thị Hoàng Hà ý kiến tại buổi làm việc.

Giám đốc Sở Tư pháp - Phạm Thị Minh Hiếu cho biết, sở đã và đang từng bước tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành xin biên chế và kinh phí đẩy mạnh hoạt động TGPL. Năm 2021, Sở Tư pháp đã phối hợp với Học viện Tư pháp mở lớp đào tạo luật sư, 6 viên chức của sở đã tham gia học lớp này. Đây cũng là đội ngũ kế thừa làm công tác TGPL trong giai đoạn tiếp theo.

LÊ NINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý
BTO - 375 vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) kể từ khi Luật Trợ giúp pháp lý ra đời vào năm 2017, cho thấy nỗ lực lớn của các cấp, ngành.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều người chưa biết đến chính sách trợ giúp pháp lý