Theo dõi trên

 Nhìn lại du lịch Bình Thuận sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06

19/11/2014, 16:48

BTO- Bình Thuận là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam hiện nay. Kể từ năm 2000 đến nay, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận.

Nhiều kết quả nổi bật

Trước hết là công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch du lịch đã được triển khai khá tích cực.  UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Ba năm qua, tỉnh đã chấp thuận đầu tư 10 dự án, thu hồi 18 dự án. Đến nay trên địa bàn tỉnh hiện còn 403 dự án du lịch (không tính 38 dự án đầu tư dịch vụ du lịch) đã được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 8.165,5 ha và tổng vốn đăng ký 64.085 tỷ đồng; trong đó có 32 dự án đầu tư nước ngoài, với diện tích đất cấp 3.100,5 ha và tổng vốn đăng ký 25.640,8 tỷ đồng. Đến nay đã có 149 dự án du lịch đi vào hoạt động. Đồng thời tỉnh cũng đã tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, trong đó nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của trung ương là 234,2 tỷ đồng.

Lượng khách du lịch đến Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân

Các loại hình kinh doanh lưu trú du lịch tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh hiện có 271 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động kinh doanh với tổng số 10.035 phòng, tăng 85 cơ sở với 2.764 phòng so với cuối năm 2011; có 171 cơ sở lưu trú/6.858 phòng được xếp hạng (trong đó có 3 cơ sở/348 phòng đạt chuẩn 5 sao, 22 cơ sở/2.214 phòng đạt 4 sao…). Toàn tỉnh có 43 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, tập trung chủ yếu ở Hàm Tiến - Mũi Né.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được chú trọng. Tỉnh đã tham gia các sự kiện du lịch lớn ở các nước như: Nga, Đức, Trung Quốc và các tỉnh, thành như: Hà Nội, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng… Đồng thời đã chủ động tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Giải lướt ván buồm Cúp thế giới PWA, Festival Thuyền buồm quốc tế, Lễ hội kinh khí cầu quốc tế, Hoa hậu đại dương nhằm truyền thông quảng bá tiềm năng, thế mạnh và phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận…

Nhờ vậy, lượng khách đến tỉnh trong 3 năm qua có sự tăng trưởng ổn định, bình quân tăng 12,17% /năm. Riêng khách quốc tế có mức độ tăng trưởng cao hơn, bình quân 15,38%/năm. Doanh thu du lịch tăng trưởng nhanh, bình quân tăng 29,22%/năm. Ước tính 2014, số lượt khách đến địa phương là 3,7 triệu, trong đó khách quốc tế 410 ngàn lượt, doanh thu đạt 6.459 tỷ đồng.

Vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động du lịch của tỉnh nhìn chung phát triển chưa mạnh, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng; du lịch cộng đồng còn nghèo nàn.

Tốc độ tăng trưởng về lượng khách cũng như doanh thu có xu hướng chậm lại. Công tác quy hoạch du lịch, quản lý quy hoạch còn hạn chế; chưa giải quyết tốt mâu thuẫn giữa các thế mạnh của tỉnh; một số hoạt động như khai thác titan, chế biến hải sản đã tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Nhiều dự án du lịch chậm hoặc không triển khai (chỉ khoảng 1/3 dự án đầu tư được cấp phép đi vào hoạt động) gây lãng phí tài nguyên và bức xúc trong nhân dân. Chưa có các khu vui chơi giải trí về đêm, ẩm thực và các công trình văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà hát… phục vụ khách.

 Nguồn nhân lực du lịch nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ còn thấp.

Một số công việc cần sớm được giải quyết

Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, mới đây tại cuộc làm việc với UBND tỉnh, Hiệp Hội du lịch và các sở ngành có liên quan, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã giao Sở Văn hóa- TT và DL chủ trì, phối hợp với Hiệp hội và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các doanh nghiệp du lịch. Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Sở Văn hóa - TT và DL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu giải quyết cụ thể từng vấn đề theo thẩm quyền của tỉnh; đối với những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thì lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị giải quyết, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch phát triển.

Về quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch,  UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án sớm hình thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia theo Kế hoạch số 106-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII), gắn kết với đẩy mạnh xây dựng Phan Thiết trở thành thành phố du lịch.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tích cực để xử lý có hiệu quả các vấn đề về môi trường, chồng chéo trong quy hoạch giữa du lịch với các ngành khác, hạ tầng,… tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

 Về sản phẩm du lịch, tiếp tục động viên nhà đầu tư duy trì tổ chức Lễ hội khinh khí cầu quốc tế hàng năm và phát triển mạnh các môn thể thao biển, nghiên cứu và tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch thủy phi cơ,… Đồng thời, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, khai thác cảnh quan biển, đảo, đồi cát, sông, suối, thác, hồ tự nhiên… để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, tạo điều kiện thu hút du khách. Có giải pháp tập trung đầu tư xây dựng và giữ vững uy tín, thương hiệu khu du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 Nhìn lại du lịch Bình Thuận sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06