Theo dõi trên

Nhớ mãi một thời

08/09/2023, 05:43

Trở lại Hàm Thuận Bắc vào giữa những ngày tháng tám, những cơn gió mát dịu đã xua dần cái nắng gay gắt vào buổi trưa ở đây.

  Dọc theo quốc lộ 28 theo hướng Bắc, tôi đã bắt đầu thấy những khoảng không gian xanh trên những vườn thanh long, thi thoảng những trái thanh long đỏ tươi hiện ra đã điểm tô thêm cho một vùng đất mà trước đây tương đối cằn cỗi vì thiếu nước, giờ đây màu xanh hầu như phủ khắp cả lối đi vào những ngôi nhà cấp bốn rộng rãi khang trang, sạch đẹp... Ai đó đã nói Hàm Thuận Bắc vẫn còn đang chưa trở mình, mới bắt đầu thúc giục những khách lữ hành phương xa tìm đến. Riêng tôi đã sống với mảnh đất kiên trung này từ những ngày đầu khi đất nước vừa thống nhất bởi vì   theo tôi, huyện Hàm Thuận Bắc hiện nay đã đổi thay đến ngỡ ngàng. Bên cạnh sắc thái riêng của một vùng nông thôn yên ả hiền hòa nay đã pha màu sắc đô thị hóa của một vùng nông thôn mới tương đối hiện đại với những vườn cây ăn trái sum suê như xoài, nhãn, sầu riêng... đã làm dịu đi cái nắng ban trưa, một số vùng chuyên canh phát triển kinh tế vườn, trang trại đã trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: Cao su, cà phê, mì, bông vải… đã hiện hữu.

hnh-n.jpg
Hồ Đa Mi, Hàm Thuận Bắc. Ảnh: N.Lân

... Tôi dừng chân ở thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính. Ở đây, ngôi trường THVHVL Hàm Thuận (*) hầu như không còn một vết tích nào năm xưa, nhưng hình ảnh cũ vẫn hiện về trong tôi với nhiều kỷ niệm (năm 1977) với ba dãy lớp học vách gỗ và mái được lợp bằng lá dừa do chính các em học sinh và các thầy cô dựng... Ở đây, tôi đã cùng các đồng nghiệp từ các nơi khắp mọi miền đất nước (Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Bình Thuận, TP. HCM...) đã đồng cam cộng khổ trên vùng đất Hàm Chính thật sự khô cằn, nguồn nước hầu như mất trắng (nhất là vào mùa khô), nhưng trong sự gian khổ đó tình yêu thương giữa các đồng nghiệp, giữa các em học sinh “chân chất nông thôn” thật ấm áp và ngọt ngào. Tôi còn nhớ nội dung bài hát tôi sáng tác cho đội văn nghệ của trường tham gia “Hội diễn công nông binh huyện Hàm Thuận” vào thời đó (năm 1977) rất lạc quan và yêu đời:

- Ai có về Hàm Thuận quê ta, có mái trường xinh, có những học sinh VHVL, reo mừng chiến thắng quê hương mình...

- Hàm Thuận ơi! Vui sao được đến nơi này, bên kia Mũi Né bên này Ma Lâm.

- Hàm Thuận ơi! Vui sao được đến nơi này, bên kia Tà Cú bên này Tà Zôn...

Và rồi, cuối năm 1978, trường được dời về khu vực đồi Lán Sạn (cây số 12) gần Bệnh viện huyện thuộc thôn An Phú, xã Hàm Chính... Nơi đây, tình cảm gắn bó giữa các đồng nghiệp , giữa thầy và trò càng sâu đậm và quyến luyến hơn trên mảnh đất đầy sỏi cát. Tôi còn nhớ bài thơ: “Nhớ An Phú ” của thầy Dương Thế Vinh - giáo viên dạy văn của trường lúc ấy:

… An Phú nơi bè bạn tôi gắn bó mái trường.

Chia sẻ cùng nhau nhọc nhằn sớm tối.

Cơn mưa chiều ướt căn phòng chật chội.

Trang giáo án đêm đêm soi ánh sao trời…

… Nghe tiếng chuông nhà thờ Tầm Hưng vọng lại, tôi thấy chạnh lòng và nhớ lại những hình ảnh: Mỗi buổi chiều, các em học sinh lao động ở khu rừng Trũng Trâm hay trên những đồng lúa trĩu hạt dưới cái nắng rát người... hình ảnh của những cô giáo xứ Huế đang ngồi bên khung cửa nhớ về gia đình vào những buổi chiều mưa trong những căn phòng đã bắt đầu thấm dột...

Khi huyện Hàm Thuận chính thức được tách thành hai huyện: Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam (1983), trường chính thức mang tên: Trường THPT Hàm Thuận Bắc. Đầu năm 1986, trường tiếp tục chuyển về khu vực gần Đài Liệt sĩ (thuộc thị trấn Ma Lâm).

Hiện nay, Trường THPT Hàm Thuận Bắc thật khang trang và bề thế nhưng ít nhiều vẫn còn giữ lại một chút nét “chân quê” của một ngôi trường ngày đầu mới thành lập.

Hàm Thuận Bắc bây giờ, người nông dân đã không còn cảnh “trăm sự nhờ trời” với một thời chỉ có vài đập nước nhỏ với sức tưới cao nhất khoảng 5.000 ha, đất đai không màu mỡ lắm, ruộng làm không đủ ăn, năm được năm thất. Ngày nay, hồ Sông Quao (xã Hàm Trí) được ví như một kiệt tác thiên nhiên. Với bàn tay và khối óc của con người đã tạo nên một công trình thủy lợi hùng vĩ có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống nhân dân Hàm Thuận Bắc. Ngoài ra, hồ Sông Quao còn được tiếp thêm nước của đập Đan Sách là nhánh cấp I của sông La Ngà để đáp ứng cho việc tưới tiêu trên 23.000 ha lúa và các vùng chuyên canh cùng các khu vườn cây ăn trái... Hồ Sông Quao còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP. Phan Thiết. Không chỉ thế, hồ Sông Quao còn trở thành điểm du lịch sinh thái khá lý tưởng, bên cạnh những điểm du lịch khác như hồ Đa Mi, hồ Hàm Thuận được hình thành từ công trình thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi đã tạo nên một cụm thắng cảnh nên thơ, xinh đẹp và trữ tình ở Hàm Thuận Bắc.

Hàm Thuận Bắc luôn ở bên tôi với những kỷ niệm đáng nhớ từ những ngày đầu bước vào nghề dạy học, hy vọng thầy trò huyện Hàm Thuận Bắc sẽ gặp nhau trong ngày chào mừng 50 năm thành lập trường (1976 - 2026) để cùng nhau ôn lại những tháng ngày khó quên của một thời...

(*) Trường Trung học Vừa học Vừa làm Hàm Thuận (giai đoạn 1976 - 1982: Huyện Hàm Thuận chưa tách).

LÊ PHƯƠNG


(0) Bình luận
Bài liên quan

Hai VĐV Bình Thuận thi đấu tại Đại hội thể thao châu Á tại Trung Quốc
BTO- Bộ truởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có quyết định việc thành lập Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 19 tại Trung Quốc.
Nổi bật
Hội nghị xúc tiến du lịch Bình Thuận tại Seoul, Hàn Quốc
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hàn Quốc, chiều tối qua 7/5, tại Thủ đô Seoul, đoàn công tác tỉnh Bình Thuận do ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch Bình Thuận. Sự kiện này đã thu hút hơn 80 đại diện của các tổ chức, đại lý, công ty du lịch, đối tác và truyền thông báo chí ở xứ sở Kim Chi tham dự.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ mãi một thời