Theo dõi trên

Nhớ về nghề thúng chai

31/05/2024, 05:16

Mặt trời ở làng chài thường mọc sớm hơn những vùng quê khác. Cứ độ vào 4 giờ sáng, những ngư dân làng chài lại thắp mặt trời nhỏ bé của mình để lên chiếc thúng chai ra khơi đánh bắt những mẻ cá ven bờ.

Đến sáng, những con cá, con mực các loại tươi rói, óng ánh trong lưới. Các ngư dân thoăn thoắt đôi tay với mái chèo chiếc thúng để đưa cá vào bờ. Thời gian trôi nhanh, những chiếc thúng chai với mái chèo được dần thay thế bằng thúng composite chạy bằng động cơ. Thúng chai mất dần và nghề làm thúng chai cũng đã là dĩ vãng.

z5489486959344_6ead38af58eb0283019ba20f873ae062.jpg
Ngư dân sử dụng thúng chai ven bờ.

Trên bãi biển dài hơn 2 km của thôn 2, thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong có một bãi thuyền thúng lên tới hàng chục chiếc. Những chiếc thuyền thúng các loại, nhiều màu sắc nối đuôi nhau nghiêng nghiêng đón nắng làm cho cảnh sắc nơi đây thêm phần sinh động, lạ mắt. Đây là một làng chài nhỏ có từ lâu đời, nơi mà từ xa xưa, những người tha phương đã chọn để lập nghiệp, xây dựng xóm làng. Từ đây nhìn ra Cù Lao Câu, 1 hòn đảo nhỏ xinh đẹp khá gần. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những chiếc thuyền thúng đơn sơ, mộc mạc mà người địa phương gọi là thúng chai. Đây là phương tiện tuy thô sơ nhưng chắc chắn và rất hữu dụng ở tất cả các làng chài vì tính đa năng của nó.  

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Huỳnh Hiền, 1 thợ sửa thúng lâu năm ở thôn 2, xã Phước Thể để tìm hiểu về nghề thuyền thúng. Ông Hiền là 1 trong 3 người con của ông Huỳnh Hỷ, một người được xem là nghệ nhân làm thúng chai của vùng này. Ông Hiền cho biết: Hầu như những chiếc thuyền thúng chai ở địa phương hay thậm chí ở Liên Hương, Bình Thạnh, Chí Công đang sử dụng đều do gia đình ông làm ra. Khi cha mất, ông là người duy nhất trong gia đình ông theo nghề nhưng do hiện nay không ai còn đặt làm thúng chai nữa nên ông giữ nghề bằng cách sửa chữa thúng hư hỏng cho bà con. Nghề thuyền thúng theo gia đình ông vào đây lập nghiệp cũng đã hơn trăm năm. Cùng với nghề biển, nghề làm thuyền thúng của gia đình cũng trải qua nhiều thăng trầm và mất dần khi đến đời của ông.

z5489486965304_81499bd0fa99df7c68cfdee4202fc977.jpg
Thúng chai ở Phước Thể.

Không ai biết chiếc thuyền thúng ra đời từ khi nào nhưng qua tìm hiểu từ tài liệu và các bậc cao nhân được biết: Vào thời Pháp thuộc, khi ấy thực dân Pháp áp dụng rất nhiều thứ thuế bóc lột dân nghèo. Những chiếc thuyền mong manh của những ngư dân vẫn không thoát được sưu cao, thuế nặng, thế là người ta đã nghĩ ra làm chiếc thuyền thúng để di chuyển và đánh bắt ven bờ. Trải qua trăm năm, những người làm thuyền thúng ngày càng vắng và mất dần đi bởi làm nghề cũng chỉ đủ ăn, nhưng phải phơi nắng, dầm sương.

Để làm được chiếc thuyền thúng phải qua 6 công đoạn như: Lựa tre để chẻ tre vót nan, đan nan, bắt vành, làm thúng và trét dầu. Trong đó, việc vót nan ngoài tay nghề cao, người thợ cần phải có kinh nghiệm. Như nan vót phải đều, thẳng, mềm ở ngoài và cứng dần vào bên trong để dễ đan, nan sau khi vót xong phải phơi một ngày nắng cho khô để tránh co giãn sau này. Từ những cây tre trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ mới trở thành một chiếc thuyền thúng chắc chắn với vành hình tròn và những tấm nan được đan đều đặn. Việc làm để có 1 chiếc thuyền thúng đẹp và chắc cũng không phải đơn giản. Đầu tiên là phải biết lựa chọn tre già, tròn đốt, không sâu đục, không tổ kiến, không gãy ngọn bởi mang tính kiêng kỵ của nó. Sau đó đem về vót thành nan, phơi khô và chỉ lấy lớp bên ngoài. Chuyện đẹp hay xấu phụ thuộc vào bàn tay của người làm và khi đến mức tuyệt đẹp người ta có thể gọi những người làm thuyền thúng là nghệ nhân. Trong các giai đoạn làm thuyền thúng thì đan tre nan bắt vành thúng là 2 công đoạn quan trọng nhất. Từ những que nan, người thợ đan thành một tấm nan hình hơi tròn phía trong có đường viền 4 góc. Chiếc thuyền thúng có tuổi đời cao hay thấp là ở công đoạn này và mỗi người đều có cách đan riêng của mình. Tiếp theo công đoạn đan nan là làm vành thúng và lận thúng. Lận thúng là công đoạn khá mệt vì phải dùng sức người và kể cả những vật phụ trợ. Công đoạn bắt vành thuyền thúng đòi hỏi sự chính xác khi đo đường kính và độ cao theo kích thước khách hàng yêu cầu. Thông qua các thao tác bằng tay và một vài dụng cụ phụ trợ như cọc tre, dây lá buông, vật nặng. Sau khi vành thúng hoàn thành thì cột thêm bằng cước nilon để tăng thêm độ bền, thuyền thúng sẽ được trét phân bò và dầu rái sau đó phải phơi nắng cho khô.

Ông Hiền trầm ngâm: Làm được một thúng chai đẹp thật lắm công phu và rất nhiều tâm huyết nhưng giá trị thì không cao. Ông theo nghề là vì thích cảm giác vui sướng khi nhìn sản phẩm mình làm ra đẹp, chắc chắn và người sử dụng hài lòng.

Nắng lên cao, những chiếc thuyền đánh bắt cá đã bắt đầu trở về. Những chiếc thúng chai phơi mình trên bãi cũng xuống biển phát huy những tác dụng của nó. Giữa bao la biển trời, những chiếc thúng chai vốn đã chông chênh lại càng chông chênh hơn khi không chở được cá vào bờ đành phải quay về đợi chuyến tàu sau cập bến.

VÕ THIỆN NHO


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận đăng cai tổ chức “Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ lần thứ XIII”
BTO-UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức “Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ lần thứ XIII, năm 2024” tại Bình Thuận vào tháng 7.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ về nghề thúng chai