Tiếng cười giòn tan, niềm vui vỡ òa như trẩy hội. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cùng người thân, bạn hữu về thăm quê Bình Thuận, vỡ òa trong niềm vui: “Đi lại quá sướng, rút quá nửa thời gian, nào cả nhà ta cùng cười lên nào, zô zô hò zô!”. Vậy là trên xe tiếng cười giòn tan, tiếng cười vỡ òa sung sướng. Cô cháu đi cùng cười vui sảng khoái:
- Tiếng cười như ngàn thang thuốc bổ, chúng cháu hoan hô ông ạ!”.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cười hóm hỉnh:
- Hoan hô tiếng cười, hoan hô sức khỏe… được đà tăng trưởng!
Đỗ Hồng Ngọc kể rằng là bác sĩ mà bệnh tai biến mạch máu não cũng chẳng buông tha, bởi ông đam mê việc “cày” như điên ấy. Dạo ấy, ông được đưa vào bệnh viện, đồng nghiệp cho cạo trọc đầu, đục hai lỗ thủng để đặt ống dẫn lưu cho máu chảy vào hai chai nhỏ đeo tòng teng bên dưới. Lúc tỉnh dậy, nằm trần truồng trên băng ca ở phòng hậu phẫu lạnh ngắt, đắp một tấm “ra” mỏng trên người. Một cô điều dưỡng xinh xắn thực tập đến tiêm thuốc, đọc hồ sơ thấy tên Đỗ Hồng Ngọc, em hỏi có phải bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc “Phòng mạch mực tím” không? Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sau hậu phẫu ú ớ gật! Thế là em kêu toáng lên:
- Chúng mày ơi lại đây coi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nè.
Đỗ Hồng Ngọc tủm tỉm cười, nụ cười hiếm hoi đối với ông, thầm nghĩ: “Trời đất, cởi truồng thế này, coi cái gì đây, ai lại đi coi cái không đáng coi”!
Bắt đầu từ đó bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cười nhiều hơn. Mấy ngày sau hậu phẫu, bách bộ chung quanh khuôn viên bệnh viện, gặp mấy cô điều dưỡng xinh đẹp bữa mình cởi truồng trên băng ca, ông tủm tỉm cười nụ: “Ui lộ hàng hết trọi rùi ta!?”. Nằm viện, soi gương thấy cái đầu trọc lóc lún phún của mình ngồ ngộ, kèm cái bộ râu xệu xạo, nom hay hay ông lại tủm tỉm cười. Bác sĩ lượm lặt những chuyện cười trong bệnh viện, chuyện cười ngành y, chuyện hai ông bà bệnh nhân độc thân yêu nhau, vui đáo để, lại cười. Đỗ Hồng Ngọc bách bộ sân vườn, lượm những hòn sỏi lên và cảm nhận có cái gì đó giống Tôn Hành Giả, có cái giống Trư Bát Giới, Tam Tạng, Đạt Ma Sư tổ… lại tủm tỉm cười. Cười làm cho ta tươi trẻ ra; cười là nhất hạng, tựa ngàn thang thuốc bổ. Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940, tuổi xưa nay hiếm mà các nữ điều dưỡng viên xinh đẹp cứ đoán bác sĩ trông cứ như trên dưới 60 ấy.
Sau đận đi bệnh viện bị cạo trọc đầu, cười nhiều, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhớ ông thầy Nguyễn Hiến Lê mà mình yêu quý, năng đọc sách Phật, nghiên cứu Phật pháp, học thiền, học buông bỏ, tịnh tâm, nghĩ sâu sắc về hai từ đau khổ. Bác sĩ chữa dùng thuốc được đau, nhưng không chữa được khổ. Để chữa khổ là phải năng cười, chịu sân si - buông bỏ, không bon chen, không ăn thua đủ… vậy là hết đau khổ. Bác sĩ và tâm linh, phật pháp gắn bó với nhau đem hạnh phúc đến cho con người.
Đỗ Hồng Ngọc là bác sĩ, văn sĩ, thi sĩ - trí thức giỏi, nghệ sĩ đa tài. Ông sinh năm 1940 tại thị xã La Gi, Bình Thuận, lúc nhỏ học trường Phan Bội Châu, Phan Thiết. Đỗ Hồng Ngọc học y khoa, Đại học đường Sài Gòn, đậu bằng tiến sĩ y khoa quốc gia; tu nghiệp tại đại học danh tiếng Harvard - Hoa Kỳ và tại Pháp, một tấm gương chăm chỉ học hành, nền tảng kiến thức uyên thâm.
Đỗ Hồng Ngọc yêu quê nhà La Gi, Phan Thiết, Bình Thuận, không rời xa Tổ quốc, dù có bao lời mời gọi. Thời kỳ 1970 – 1971, do bận học hành, 5 năm chưa được về quê, tương tư xuôi dòng ký ức bằng tình yêu và những kỷ niệm dội về: Năm năm chưa về thăm Phan Thiết/ Năm năm đã hẹn trăm lần về/ Nghe nói người xưa chừng lỡ bước/ Nghe nói lòng ta, chừng chưa nguôi…
Càng thêm tuổi, cao tốc thông thương, du lịch nở hoa, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – người con yêu dấu của Bình Thuận – sống đẹp, càng năng lui về quê hương, cười vui sảng khoái – Nụ cười như ngàn thang thuốc bổ - cùng bè bạn trên bãi tắm Mũi Né, bãi tắm biển La Gi, sống vui, sống khỏe, sống đẹp cho đời…