Theo dõi trên

Những bí ẩn bên dưới tháp Pô Sah Inư

28/04/2023, 05:49

Tháng 7 năm 1987, người dân Phú Hài ở gần tháp Pô Sah Inư và nhất là những người viếng chùa Bửu Sơn thấy hiện tượng lạ là 4 - 5 ngày liên tiếp có một ông Tây người mập mạp, da hồng và đầu tóc bạc phơ, với chòm râu bạc trắng dài đến ngực đi vòng quanh khu tháp, với chiếc máy ảnh và quyển sổ để ghi chép và vẽ lại những điều trông thấy… đó là ông Kazik kiến trúc sư trưởng của nhóm chuyên gia Ba Lan, người khởi tạo làm hồi sinh nhóm tháp này.

Những lần khai quật khảo cổ

Trong quá trình thiết kế và thi công tu bổ, tôn tạo các di tích kiến trúc, công tác khảo cổ luôn chiếm một vai trò quan trọng tiên quyết. Không chỉ nghiên cứu những gì hiện còn được bảo tồn, khảo cổ học còn tìm tòi về những thành phần đã bị mất mát theo thời gian. Nhờ đó, khảo cổ học đã cung cấp nhiều hiểu biết mới, nhận thức mới không chỉ quý giá đối với riêng việc tu bổ di tích mà thực sự đã trở thành những phát hiện, thành tựu mới khi áp dụng để nghiên cứu về kiến trúc nghệ thuật Chămpa học mà còn là phục vụ sát thực cho du lịch khám phá, tìm hiểu về di sản Chăm nói chung.

nhom-dn-thap-po-sah-inu-nh-n.-lan-.jpg
Nhóm đền tháp Pô Sah Inư. Ảnh: N.Lân

Tại nhóm đền tháp Pô Sah Inư các phát quật đã liên tiếp làm phát lộ nhiều phế tích và hiện vật quan trọng, mang lại những hiểu biết mới về một nhóm đền tháp thuộc loại cổ nhất của nghệ thuật Chăm. Cũng từ mốc 1987 cho đến năm 1995, liên tục có những cuộc khai quật khảo cổ do Bộ Văn hóa Thông tin hướng dẫn phối hợp Sở Văn hóa Thông tin Thuận Hải thực hiện.

Có thể nói chưa có một cuộc khai quật khảo cổ học nào kéo dài như vậy ở Bình Thuận và ít thấy trong các di tích ở miền Trung. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của tháp Pô Sah Inư trong việc nghiên cứu về di sản văn hóa Chăm nói chung. Với thời gian khai quật dài như vậy, đủ thấy số lượng di vật, cổ vật và các nguồn thông tin thu được phục vụ cho việc tu bổ, tôn tạo và trưng bày bảo tàng có số lượng thế nào và tầm quan trọng ra sao. Trước năm 1987 ít người đến nơi này vì đây là khu thờ thần Siva của người Chăm xưa; thứ nữa là cả hơn ngàn năm rồi nên các tháp đều sụp đổ dần, mất hết phần ngọn và chỉ còn nhận biết phần thân của 3 tháp. Ngoài ra không còn gì ngoài những cây dây leo đã thành cổ thụ cùng vết tích của cây bồ đề lớn đã sụp đổ mà vết chạm vào tháp tạo nên những vết mòn.

Và những phát hiện mới ở Pô Sah Inư

Ngoài 5 nền móng của các ngôi đền cổ bao quanh tháp chính được phát hiện, thì sưu tập cổ vật kể tên sau đây là di sản đáng kể của các thế hệ người Chăm xưa để lại trong lòng đất từ sau thế kỷ VIII:

Chân và tai bò thần Nandin bằng sa thạch - vết tích còn lại của một tượng bò thần khá lớn đã bị đập bỏ và phá nát hoàn toàn và chôn vùi vào đất. Nguyên nhân và thủ phạm cũng như thời gian bị hủy hoại thì hoàn toàn không được biết. Thông thường những thế kỷ trước ở các tháp chính, người Chăm thường đặt một tượng bò thần Nandin, là tượng bò đực, đầu ngoảnh vào trong. Như hiện vẫn thấy ở tháp Pô Klong Garai và Pô rô mê ở Ninh Thuận.

b-th-yoni.jpg
Bệ thờ Yoni.

Tượng nữ thần – tương tự như tượng bò thần Nandin, tượng nữ thần bằng sa thạch đã bị đập bỏ, phá nát hoàn toàn và chôn vùi vào sâu trong lòng đất; chỉ thu được phần đầu, ngực pho tượng và các mảnh vỡ chân, tay. Một số nhà nghiên cứu cho đây là tượng bán thân của nữ thần Devit, một nữ thần Ấn Độ được “Chămpa hóa” có niên đại thế kỷ IX.

Bệ thờ Yoni – đây là lần thứ 2 ở Bình Thuận phát hiện Yoni riêng biệt không cùng khối với Linga (trước đó là ở tháp Pô Dam). Đây là bệ Yoni bằng đá, hình vuông có lỗ giữa mà không có Linga, chỉ khi thực hiện nghi lễ mới gắn Linga vào. Yoni phát hiện trên bệ thờ xây bằng gạch ở về hướng bắc tháp C.

Bộ Rasun batau – phát hiện trong lòng phế tích đền cổ về hướng bắc tháp chính. Bộ Rasun batau bằng đá nguyên vẹn, bao gồm bàn nghiền và con lăn. Theo TS. Nguyễn Hồng Kiên thì đây có lẽ là bộ Rasun batau nguyên vẹn nhất lần đầu tiên tìm được ngay tại một nhóm đền tháp Chăm. Trước đó nhiều nơi phát hiện loại này nhưng toàn là được thu nhặt, hầu hết đều không có nguồn gốc rõ ràng.

Tù và bằng gốm có phủ men - trong số các di vật thu được một chiếc tù và bằng gốm làm đúng theo hình ốc. Đáng tiếc là nó không còn được nguyên vẹn mà bị vỡ mất phần cuối. Thân tù và có một đường khắc chìm chạy xoắn tròn từ miệng xuống. Điều đáng ngạc nhiên là người ta đã cuốn các dải đất dày để tạo thành đường thoát hơi chạy vòng vèo như một ốc thật. Khi thổi thử, tiếng kêu rất to, ấm và vang không khác tù và ốc.

b-rasun-batau.jpg
Bộ Rasun batau.

TS. Nguyễn Hồng Kiên người hướng dẫn khai quật cho rằng: “Người Chăm cổ là cư dân rất thạo sông, biển nhưng ở đây họ đã không dùng tù và bằng vỏ ốc thật mà tự tạo ra một tù và bằng gốm một cách kỳ công như vậy khiến chúng tôi cho rằng nó là một vật thờ. Đối với người Chăm, chiếc tù và (tiếng Chăm là Săngcala) là một vật linh thiêng. Trong thần thoại khai thiên lập địa, thần thoại về nữ thần Mẹ… đều có mặt chiếc Săngcala huyền thoại. Tượng thần Siva cũng thường cầm trong tay chiếc tù và như một linh vật biểu trưng”. Đây là di vật độc đáo, lần đầu tiên phát hiện được ở một di tích kiến trúc Chăm.

Bình gốm thời Đường - khi được phát hiện, chiếc bình đứng nguyên vẹn trong đất phủ lấp hơn 50 cm. Trong bình cũng đầy chặt đất, không có một hiện vật nào. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, những chiếc bình loại này được nhập khẩu thẳng từ Trung Quốc bằng đường biển và có niên đại tương đối khoảng cuối thế kỷ VIII – đầu thế kỷ IX.

Ngói Chăm cổ - nhiều nhất trong số di vật phát hiện được là ngói Chăm cổ. Ngoài loại phổ biến thường thấy ở nhiều nhóm tháp Chăm, ở đây còn thấy nhiều loại khác, như ngói móc có 2 móc để lợp và phần mũi hình tam giác cân; ngói trang trí trên nóc và 2 đầu nóc mái giống như sừng trâu mà ta thường thấy hình dáng như người bản địa Tây Nguyên trang trí hai đầu nóc nhà sàn. Chúng được làm bằng khuôn, có dấu vết của vải với đủ loại.

Sưu tập cổ vật này hiện đang nghiên cứu và trưng bày ở bảo tàng luôn có sức hút đặc biệt của du khách, nhất là những nhà nghiên cứu bởi sự bí ẩn cũng như vẻ đẹp lạ của từng cổ vật, dù số nguyên vẹn còn ít và trải qua hơn ngàn năm trong lòng đất nhưng chúng vẫn kiêu hãnh tồn tại cùng thời gian và lịch sử, là minh chứng về tài năng và nghệ thuật của bao thế hệ người Chăm xưa.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan

 Tổ chức Đua thuyền truyền thống Vô địch Quốc gia tại Bình Thuận
BTO-Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao đã ký quyết định sáng 26/4 về việc tổ chức giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2023 tại tỉnh Bình Thuận.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bí ẩn bên dưới tháp Pô Sah Inư