Theo dõi trên

Những bữa cơm tình thương

18/08/2021, 12:26

BT- Con hẻm ở khu phố 1 trên đường Trần Hưng Đạo (phường Đức Long) có phần nhộn nhịp vào mỗi chiều. Chẳng có sự kiện gì, ngoài một việc gia đình anh Nguyễn Văn Tiền (50 tuổi), gom góp cùng nhau nấu cơm và đi phát cho những người yếu thế trong lúc giãn cách vì dịch bệnh. Không ồn ào, nhưng các thành viên gia đình, bạn bè với vợ chồng anh đã chia sẻ những bữa cơm chiều ý nghĩa dành cho những người lao động. Hành trình này của gia đình anh Tiền cũng khác hơn so với nhiều người.

Sắp xếp chuẩn bị phát cơm.

Nếu như không có tin nhắn của cán bộ bệnh viện, chắc tôi cũng như bao nhiêu người không biết đến việc làm này. Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến con hẻm, căn nhà nhỏ dưới cái dốc, phía sau là giáp với nhánh sông thì phải. Mọi người đang quay quần chia cơm vào từng hộp, mỗi hộp kèm chai nước. Anh tận dụng mấy chiếc xe máy đi rảo khắp các con đường, trong những ngày giãn cách. Dành những suất cơm cho những người lao động đang gặp khó khăn.

“Anh chị buôn bán ở chợ, nhưng giờ cũng ế mà tình cảnh bà con khổ quá, thôi mình làm cái gì đó cho vui. Gọi là chia sẻ. Thế là vợ chồng anh bàn bạc, kêu gọi bạn bè. Người một chút, thành ra được như những ngày vừa qua” - anh Tiền kể. “Dự án” bữa cơm chiều hình thành, gồm chị Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Kim Nguyên và vợ anh Nguyễn Thị Thu Trang. Thực đơn hàng ngày được chị Thu lên, thay đổi món. “Mình cho cũng phải đàng hoàng, cơm nóng, món ăn thì thay đổi mỗi ngày. Cơm vừa xong là đi liền cho bà con ăn nóng” - anh Tiền nói.

Đối tượng anh chị phát cơm là những người xe ôm, chạy xe Hoa Lâm, lượm ve chai, hay lao động ở cảng… Ai cần thì cứ phát. Cứ chở thùng cơm đi, thấy ai là tấp vô gởi kiểu vậy. “Mỗi người một chút, góp thêm cho cuộc chiến dịch giã  khó khăn này. Mình chịu khó đi tìm và tặng bà con”- vừa múc cơm, chị Thu cho biết. Để có kinh phí, vợ chồng anh Tiền vừa đóng góp vừa “xin từ bạn bè, người thân trong gia đình, con cháu thì phụ người một tay để mọi người cùng thấy có ý nghĩa. Mình chịu khó chút, vì sợ sót những người hay đi đầu này đầu kia nên phải đi tìm mới được em” - anh Tiền bộc bạch.

Chiều hôm đó, theo chân anh Tiền đi phát cơm. Ngồi sau xe ôm thùng cơm nóng hổi bắt đầu qua các con phố. Dừng xe trước Trường tiểu học Đức Thắng 1, anh Tiền ngừng xe đưa 3 hộp cơm cho mấy chú chạy xe Hoa Lâm. “Chờ cơm của chú, trưa giờ chưa có ăn gì hết. Không có hàng chở luôn” - một bác nói. “Chú ăn đi cho nóng”, nói xong anh Tiền đi tiếp. Ngang qua đường Trần Hưng Đạo, bà cụ chừng hơn 70 tuổi đang loay hoay bên gốc cây trước cửa hàng xe máy, lượm vội mấy chai nhựa. Anh Tiền ngừng lại, thay anh bước xuống gởi hộp cơm. Bà cụ ngồi phịch xuống đường. “Bà cảm ơn 2 con, khỏe nhé”. Rời đi, bất chợt thấy công việc này nó không khó nhưng cũng chẳng dễ dàng gì. Anh Tiền kể: “Ngày nào nấu xong cũng chở cơm đi rảo khắp phố, vì anh sợ có những người họ vì mưu sinh nên không ở yên một chỗ, mình phải tìm, cho người này, mà người kia không có thì rất tội”. Rồi một mình chạy đi Phú Long, Hàm Đức, Tà Zôn nơi nào có chợ, anh đều ghé vào, vòng xe mấy lượt để tìm người tặng cơm.

Tận tay trao cho người yếu thế.

Cứ đi, cứ gặp ai đó, thì dừng lại đưa. Gặp được một người mừng một người. Hỏi anh Tiền: “Sao phải cực vậy?” – “Nếu cứ tập trung một chỗ, hay cho chỗ gần thì mình không yên tâm, cứ nghĩ biết đâu chỗ khác cần. Nên cứ đi, trúng hôm nay mưa nên chắc người ta về, chứ mấy bữa đông lắm”- anh Tiền tâm sự. Trạm cuối cùng là trước Bệnh viện đa khoa tỉnh, nhờ các anh bảo vệ gởi cho bệnh nhân hoặc người nhà khi cần.

Công việc của anh Tiền trong nhiều ngày qua cứ thế trôi theo mạch đập của thiện lương, trong bối cảnh khó khăn chung của xã hội. Mỗi phần ăn có thể nhỏ bé, có thể chưa giúp được khó khăn về tiền bạc nhưng đảm bảo được cho những cuộc đời khác ấm áp, vững bụng để cầm cự mưu sinh, trong hành trình dài ở phía trước. Chuyện buổi chiều đi phát cơm, lại một bài học về cuộc sống, về cách cho nhau nghĩa tình, trong buổi khốn khó.

Q.Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bữa cơm tình thương