Theo dõi trên

Những công trình mang tên an sinh

24/02/2022, 16:43

Cái chính vẫn là làm sao tìm được nhiều nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu chính đáng nảy sinh ngày một nhiều ở nông thôn. Đôi khi phải vào những cuộc đua gấp gáp…

ban-1.jpg
Đập dâng Tà Pao (Tánh Linh).

Chạy đua với mong mỏi  

Khởi công từ cuối tháng 9/2021, đúng vào mùa bấc, một số công ty trúng thầu các tuyến kè biển như Hòa Phú, Hàm Tiến giai đoạn 2… phải tính toán thời điểm để thi công dưới nước. Rất may, vào mấy dịp mùng 1, ngày rằm qua, thủy triều rút cạn và mỗi con nước như thế kéo dài được 5 - 6 ngày nên có một số nơi, đơn vị thi công đã có thể gấp rút lắp đặt ống bi dưới mặt nước. Một số nơi khác vẫn chưa, các nhà thầu đang triển khai đúc cấu kiện bê tông lắp ghép trên cạn, chờ thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành lắp đặt vào công trình. Tại các vùng biển chuẩn bị được xây kè như Liên Hương (Tuy Phong), Thanh Hải (Phan Thiết), Phước Lộc (La Gi)… quang cảnh nhộn nhịp trên đã thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân có liên quan. Bởi đó là nỗi lo thường trực của họ khi từng chứng kiến biển lấn vào bờ, biển đuổi người khiến mất nhà, mất đất. Vì thế, cứ mỗi mùa bấc đến, sau bao cố gắng gia cố các kè tạm chống sóng dữ, nỗi mong ngóng được an cư chắc chắn lại trỗi dậy trong dân. Nhưng để điều đó thành hiện thực chỉ có xây kè biển kiên cố.

Ông Thái Đức Hùng Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, người đã có hơn 15 năm quản lý các dự án thi công đê kè biển, cho biết việc xây dựng những công trình kè bảo vệ bờ biển bảo đảm trước sóng dữ như thế không đơn giản. Không những rất phức tạp về mặt kỹ thuật, biện pháp thi công… mà còn cần nguồn vốn rất lớn, trong khi ngân sách tỉnh thường không thể đảm bảo. Phải nhờ vốn Trung ương, nhưng nhiều tỉnh, thành khác cũng bị thiên tai địch họa; riêng xói lở bờ biển thì diễn ra nhiều nơi ở miền Trung nên việc tìm vốn cho những công trình này thường trải qua nhiều năm. Như 7 công trình kè chống sạt lở bờ biển khởi công trong năm 2021, tỉnh và các sở, ngành liên quan đã kiến nghị rất nhiều lần với Trung ương, tính ra kéo dài cả 5-6 năm. Cuối cùng 4 dự án được bố trí vốn theo Nghị quyết số 797/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tức nguồn vốn dự phòng từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cùng vốn ngân sách tỉnh. 3 dự án còn lại được ghi vốn ở các chương trình khác. Tổng vốn của 7 công trình gần 500 tỷ đồng.

Tiếp đến, việc triển khai các thủ tục dự án theo trình tự của Luật Đầu tư công cũng không thể nhanh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đều tăng cường đấu thầu qua mạng. Vì thế, trong đó 3 công trình khởi công sớm nhất cũng vào tháng 10/2021. Nếu không trở ngại từ dịch bệnh, dự kiến 6 công trình kè sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Riêng kè Vĩnh Tiến (Vĩnh Tân - Tuy Phong) khởi công sớm nhất vào cuối tháng 12/2021 nên sẽ hoàn thành trong năm 2023. Mốc thời gian trên đã rút ngắn rất nhiều so với thời gian thực hiện trong quyết định phê duyệt đầu tư của 7 dự án, vì đều từ 3 - 4 năm, có công trình kéo dài đến 2025. Qua đó cho thấy có một cuộc đua thầm lặng trong tìm vốn, nỗ lực trong thi công các công trình để người dân ở vùng biển lở không phải mong mỏi kéo dài.

ban.jpg
Nhà máy nước Tân Xuân (Hàm Tân). Ảnh: N. Lân

Chạy đua với đợi chờ

Cùng chung niềm mong mỏi đó, nhưng cũng không kém phần khốc liệt, vì đây là ước muốn được sử dụng nước sinh hoạt liên tục vào mùa khô của nhiều người dân ở Hàm Tân, Hàm Thuận Nam. Khi cả 2 nơi trên đều có những hồ chứa nước lớn như hồ Sông Dinh 3, hồ Sông Móng nhưng vào mùa khô, người dân lại thiếu nước sinh hoạt, có lúc phải mua nước với giá đến 120.000 đồng/m3. Hơn thế, việc thiếu nước này còn gây ra sự xáo trộn trong sinh hoạt, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Vì vậy, khi Tiểu dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân có tổng vốn 50,6 tỷ đồng với thời gian thực hiện từ năm 2017 – 2021 hoàn thành, người dân xã Tân Xuân rất vui. Không chỉ 600 hộ dân ở xã này mà còn hơn 4.000 hộ dân trên địa bàn huyện Hàm Tân được hưởng lợi từ công trình. Vì nhờ có nhà máy đã vận hành, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã triển khai thêm 2 công trình mở rộng từ chính Nhà máy nước Sông Dinh 3 để cấp thêm cho 4 xã Tân Hà, Sông Phan, Tân Phúc, Tân Đức của huyện Hàm Tân.

Thời gian 5 năm chờ đợi tuy dài, nhưng giá trị đem lại không nhỏ, huyện Hàm Tân hôm nay sẽ không còn thiếu nước trầm trọng như những năm trước. Điều đó cho thấy hiệu quả các dự án nước do Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư mang lại. Và hầu hết các tiểu dự án này đều nằm trong dự án Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra tỉnh Bình Thuận, vay vốn của Ngân hàng thế giới.

Nông thôn Bình Thuận vốn rộng, những bức xúc phát triển ngày một tăng nên nhu cầu để bảo đảm dân sinh rất lớn và cũng rất khó. Cái chính vẫn là làm sao tìm được nhiều nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu chính đáng nảy sinh ngày càng nhiều đó ở nông thôn. Thực tế, đôi khi có vốn để triển khai chỉ 1 dự án thôi nhưng lại là tin vui của hàng ngàn người dân. Dự án công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Phú Quý (giai đoạn I) đã bàn giao và đưa vào sử dụng sau 4 năm xây dựng là một ví dụ. Giờ đây, khi mùa mưa bão tới, ngư dân ở đảo đưa tàu vào Khu tránh trú bão Phú Quý nhanh nhất, thay vì phải tính toán đưa tàu vào đất liền tránh bão vừa tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức, đôi khi nguy hiểm đến tài sản, tính mạng. Hay hàng loạt dự án, công trình đã nêu trên khi hoàn thiện cũng mang lại hiệu quả không thể đo đếm hết. Tất cả vì những công trình đó mang tên an sinh.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện đầu tư nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Mở ra hy vọng một giai đoạn mới có nhiều khởi sắc cho thủy lợi tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và mang lại diện mạo mới cho nông thôn Bình Thuận.

BÍCH NGHĨA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất
Trước nhiều ảnh hưởng của dịch Covid - 19, giá cả vật tư tăng cao… người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tạo điều kiện phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những công trình mang tên an sinh