Từ năm 2017 đến nay đều đặn vào cuối tuần là anh chị lại mang bao tải chở nhau đi nhặt rác khắp các xã trong huyện. Mặc ai nói gì thì nói, điều anh chị vui nhất là nhiều người thấy việc anh chị làm họ đã bắt đầu thay đổi hành vi xả rác bừa bãi trước kia. Nhiều tổ chức thanh niên, phụ nữ, nông dân đã đồng hành cùng anh chị ra quân đi thu gom rác thải.
2. Còn ông Nguyễn Thương (ở TP. Hội An) cũng bỏ ngoài tai những lời xì xào rằng “gàn dở, khùng, điên” của những người dân xung quanh. 6 năm nay, ngày nắng cũng như mưa ông Thương đi nhặt rác khắp các nẻo đường phố cổ. Lo cho sức khỏe của ông, vợ con ngăn cản, nhưng ông nói: Còn sức còn cống hiến để Hội An của tôi ngày một đẹp hơn.
3. Nhiều người dân ở TP. Phan Thiết, Bình Thuận đã quen với hình ảnh “không giống ai”: một ông già mặc comple, cà vạt, đi giày da chỉnh tề cặm cụi một mình quét dọn rác ở các tuyến đường, nơi công cộng. Ông là Phan Văn Năm (SN 1952, ngụ Hàm Thuận Bắc) người ta vẫn gọi là ông Năm “rác”. Bao năm qua, ông góp công giữ sạch đẹp nhiều công viên, bãi biển, tuyến đường của thành phố du lịch này. Quan trọng hơn, nhiều người dân và du khách chứng kiến việc làm của ông Năm “rác”, bỗng cảm thấy xấu hổ vì đôi khi vô ý vứt rác bừa bãi. Ông Năm “rác” tâm sự: Tôi không có điều kiện cống hiến việc lớn cho xã hội, nên có hành động nhỏ góp chút sức bảo vệ môi trường. Nhiều người bảo tôi gàn dở vì đi dọn rác mà ăn mặc chỉnh tề như đi tiệc, nhưng đó là cách tôi nghiêm túc với hành động của mình.
4. Anh Hoàng ở Phan Rí Cửa - Tuy Phong cũng bị mọi người bảo rằng “khùng”, khi hàng chục năm nay đi làm chuyện bao đồng là ngày 2 buổi sáng - chiều đi cào rác ngoài bãi biển, nơi có bãi tắm cộng đồng hàng ngày trẻ em, người già thị trấn xuống tắm biển, vui chơi, nhưng khá nhiều rác thải nhựa vương vãi. Ai bảo “khùng”, anh chỉ cười hiền lành, đáp lại: Thế những người bình thường đã nhặt rác ngày nào chưa? Thông điệp giản dị anh Hoàng muốn truyền tải đến cộng đồng, đó là: đừng thải rác ra biển nữa, để bảo vệ môi trường biển của Phan Rí Cửa ta xanh, sạch, đẹp, con cháu ta không có bệnh đau…
Còn nhiều lắm những người “điên”, người “khùng” đang lặng lẽ “vác tù và hàng tổng” giữa đời thường như thế. Chính họ đang truyền cảm hứng bảo vệ môi trường đến chúng ta, lôi kéo thêm nhiều người khác cùng tham gia vào công việc đầy ý nghĩa của mình. Đúng như Bác Hồ đã dạy: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.