Theo dõi trên

Những tháng đầu năm: Chứng nhận thanh long VietGAP gặp khó, vì đâu?

11/05/2020, 09:17

BT-  Câu trả lời sẽ dễ dàng được lý giải, bởi ngay từ đầu năm 2020, Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung đã hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến ngành nông nghiệp lao vào thế khó. Cộng thêm nắng hạn kéo dài, cây thanh long yếu sức vì thiếu nước tưới… khiến những việc cần làm của quá trình sản xuất thanh long VietGAP cũng không hề dễ dàng.

                
      Thanh long VietGAP.

 Khó triển khai

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, từ đầu năm đến nay ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tập trung đẩy mạnh tái cấp chứng nhận đối với những diện tích đã hết hiệu lực. Kết quả, trong quý I/2020, toàn tỉnh tái cấp chứng nhận VietGAP 57,66 ha. Riêng trong tháng 4/2020, không có diện tích chứng nhận mới và diện tích tái cấp chứng nhận. Lũy kế diện tích được công nhận VietGAP của toàn tỉnh tính đến nay khoảng 10.165 ha, đạt 97,75% kế hoạch tỉnh giao (phấn đấu 10.400 ha đến cuối năm 2020). Trong đó, diện tích đạt chứng nhận VietGAP nhiều nhất vẫn là Hàm Thuận Nam với gần 6.270 ha, Hàm Thuận Bắc trên 3.000 ha, Bắc Bình 482 ha…

Lý do gì khiến trong những tháng đầu năm, mặc dù chỉ tiêu UBND tỉnh giao khá thấp, nhưng việc chứng nhận VietGAP lại khó khăn, thậm chí còn bị giảm diện tích chứng nhận do hết hiệu lực? Điều này cũng dễ hiểu, khi tại các địa phương trong quý I/2020 chưa thể họp dân vì dịch Covid-19. Song song, các địa phương có diện tích thanh long lớn như Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam đang bị ảnh hưởng hạn hán. Cây thanh long không có nước tưới, nguy cơ bị héo, chết cây hiện hữu trước mắt, nên nông dân nghĩ đến việc “cứu sống” thanh long cần làm trước khi nghĩ đến sản xuất VietGAP. Thậm chí, trong một vài tháng tới, việc người dân phải chủ động đăng ký tham gia VietGAP có thể sẽ không gặp thuận lợi.  

Vẫn quyết tâm đạt chỉ tiêu

Khó khăn khách quan là vậy, nhưng không vì thế mà trong năm 2020 tỉnh lơ là việc chứng nhận mới và tái cấp VietGAP. Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn   VietGAP năm nay, Trung tâm Khuyến nông đã phân giao địa bàn phụ trách cho từng thành viên. Cụ thể trong tháng 4, tập trung rà soát với các địa phương nhằm đánh giá thực trạng tình hình hoạt động của các tổ, nhóm để có kế hoạch thực hiện chi tiết về từng tổ chức, cá nhân tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới một cách thực chất trong năm. Đồng thời, kiến nghị các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các thành viên Tổ tư vấn huyện và đối với các xã chưa hoàn thành việc đánh giá tái cấp chứng nhận cho các tổ/nhóm đã hết hạn. Đối với các xã, thị trấn không giao diện tích cấp chứng nhận mới, cần quan tâm đến công tác tái cấp chứng nhận để không bị giảm diện tích qua đánh giá tái cấp và hoàn thành chỉ tiêu. Ngoài ra, Ban chỉ đạo Phát triển thanh long bền vững các địa phương cũng cần tập trung xây dựng kế hoạch triển khai, củng cố và phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo, rà soát, củng cố Ban chỉ đạo cấp xã. Mặt khác cần xem xét, bổ sung, thay thế các tổ trưởng không còn hoạt động để tư vấn các cấp triển khai các công việc theo yêu cầu VietGAP để kịp đánh giá chứng nhận bảo đảm theo tiến độ.

Cũng theo ông Trí, Trung tâm đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất và kiểm tra, chứng nhận thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, vận động các hộ thực hiện thủ tục tái cấp chứng nhận. Đơn cử như cuối tháng 4 vừa qua, trung tâm đã làm việc với Ban chỉ đạo phát triển thanh long bền vững 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc để xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai gấp trong thời gian tới. Tuy nhiên, huyện Hàm Thuận Bắc năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid- 19 và hạn hán, nên đang yêu cầu các xã rà soát cụ thể để hỗ trợ các xã triển khai hoàn thành chỉ tiêu.

Với quyết tâm đạt chỉ tiêu tỉnh giao và nâng cao chất lượng thanh long VietGAP, hiện nay tỉnh đang triển khai Nghị định 98 của Chính phủ về liên kết chuỗi. Cụ thể sẽ hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ vào sản xuất, như nhật ký điện tử đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng. Để làm được điều đó, rất cần những HTX, tổ hợp tác làm tốt, chịu làm thật sự và tư duy đổi mới. Có như vậy, việc phát triển VietGAP mới đúng thực chất, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để công khai minh bạch sản phẩm thì mới gắn kết được với doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước đang đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật về chất lượng, thì VietGAP là bước đi đầu tiên phải có. Đáp ứng được điều kiện đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia mới khả thi.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những tháng đầu năm: Chứng nhận thanh long VietGAP gặp khó, vì đâu?