Theo dõi trên

Những tháng đầu năm: Tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn

08/04/2022, 05:16

Bước vào năm 2022 với những khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu. Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, dù thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất, nhưng nông dân lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong đó, có yếu tố rủi ro khó lường từ diễn biến dịch Covid-19, tình trạng lạm phát và những hạn chế từ các cửa khẩu trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc...

nong-nghiep.jpg
Thu hoạch lúa. Ảnh: K.H

Tăng diện tích sản xuất

Theo đánh giá của Cục thống kê, tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 của tỉnh có những dấu hiệu khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch Covid- 19. Riêng về sản xuất nông nghiệp, những tháng đầu năm thời tiết thuận lợi cho sản xuất cây trồng. Nổi bật là diện tích xuống giống vụ đông xuân vượt kế hoạch, thời gian xuống giống đảm bảo đúng thời vụ. Cụ thể, cây lúa đạt gần 39.500 ha, tăng 9%; cây bắp đạt trên 3.000 ha, tăng 0,9%, cây rau các loại đạt 3.378,5 ha, tăng 13,9%… Bên cạnh đó, để sử dụng nguồn nước tiết kiệm trong sản xuất vụ đông xuân, các địa phương đã chuyển đổi sang cây trồng khác trên đất trồng lúa với diện tích 3.794 ha. Trong đó, 878 ha chuyển sang trồng bắp, 886 ha trồng rau các loại... Diện tích chuyển đổi tập trung chủ yếu tại các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, thị xã La Gi và Bắc Bình. Các địa phương cũng tiếp tục chú trọng triển khai chương trình xã hội hóa giống lúa, diện tích xã hội hóa giống lúa vụ đông xuân. Ngoài ra, về thủy lợi phục vụ sản xuất, các đơn vị quản lý sử dụng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang thực hiện biện pháp tích trữ và phân phối nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý. Đồng thời, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, một trong những yếu tố tạo nên thắng lợi vụ đông xuân là thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất trồng trọt. Song song, trữ lượng nước các hệ thống công trình thủy lợi, các hồ chứa cung cấp tương đối đảm bảo cho sản xuất cây hàng năm. Nhờ đó, thời gian xuống giống vụ đúng theo kế hoạch, diện tích gieo trồng vượt kế hoạch (đạt 109,46%). Mặt khác, các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây trồng đều có xuất hiện và gây hại trên diện rộng, nhưng với tỷ lệ hại thấp, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất...

Tiêu thụ nông sản gặp khó

Từ đầu năm đến nay, mặc dù đã nỗ lực trong tổ chức sản xuất, nhưng thực tế thời gian qua tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, khó khăn chồng chất trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Đặc biệt là hiện nay giá vật tư, nhiên liệu, giá phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản còn gặp nhiều khó khăn đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ngay cả cây lâu năm, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến thị trường đầu ra một số loại cây chủ lực, nhất là cây thanh long. Đáng nói, cuộc “rượt đuổi” “cung- cầu” thị trường nông sản, trong đó chủ yếu là cây thanh long đang là những trở ngại lớn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bởi những tháng đầu năm, thị trường đầu ra trái thanh long vô cùng ảm đạm. Nhiều hộ dân đã bỏ bê chăm sóc, hạn chế đầu tư cây trồng. Nhiều hộ khác đã vội chặt bỏ cây thanh long để chuyển đổi cây trồng khác. Nhưng nghịch lý lại xảy ra, khi sản lượng thanh long không còn hoặc rất ít, thì giá bán lại “đội” lên cao (hiện trên 10.000 đồng/kg) nhưng bà con không có trái bán.

Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, hiện nay các địa phương đang tiến hành chăm sóc và thu hoạch tốt vụ đông xuân. Song song, tiếp tục theo dõi, rà soát, tính toán nguồn nước bố trí sản xuất vụ hè thu 2022 phù hợp. Cùng với đó, tăng cường dự tính dự báo, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình và xử lý kịp thời sâu bệnh. Đẩy mạnh sản xuất, kiểm tra, chứng nhận thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP theo kế hoạch. Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng trồng thanh long tập trung.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, nguồn nước thủy lợi đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Diện tích tưới lúa, hoa màu vụ đông xuân thuộc hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh đạt 32.443/32.263 ha (đạt 100,6% kế hoạch). Diện tích tưới cây thanh long và cây công nghiệp dài ngày đạt 100% với diện tích trên 21.000 ha. Sản lượng lương thực vụ đông xuân 2021 - 2022 toàn tỉnh ước đạt 276.140/226.653 tấn, đạt 103,56% kế hoạch. Trong đó, sản lượng lúa ước đạt 253.000 tấn, sản lượng bắp ước đạt 23.140 tấn…

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tập trung khai thác nguồn thu bền vững
Bà Trần Thị Diệu Hoàng – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh nhận định, thu ngân sách năm 2022 có nhiều thách thức, khó khăn. Vì vậy, từ đầu năm, ngành Thuế đã tính toán các giải pháp, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu mà UBND tỉnh giao.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những tháng đầu năm: Tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn