Theo dõi trên

Những tiếng hót vui cho đời

26/04/2024, 07:07

Thiên nhiên, tạo vật, trong đó có những loài chim nhỏ xinh đáng yêu, có khi đã để lại những ấn tượng sâu đậm đối với những người làm nghệ thuật. Giữa rất nhiều những ca khúc đọng lại trong lòng người nghe, có bài hát thấp thoáng dáng hình và những thanh âm rộn ràng của bao chú chim bé xíu.

Những thanh âm rộn rã

“Ơi cuộc sống mến thương”, một bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, đã dẫn dắt khán thính giả theo hình ảnh và tiếng hót của một chú chim non vào một buổi sớm mai. Nhạc sĩ muốn gởi vào tiếng chim líu lo những lời hát tin yêu vào cuộc đời, vào những con người với những lời yêu thương chân thật: “Có chú chim non nho nhỏ/ cất tiếng líu lo như muốn ngỏ/…/ Này chú chim ơi cho nhắn gởi/ Lời hát tin yêu trong trái tim mọi người”.

chim-hot.jpeg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Từ năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, nhạc phẩm “Trái đất này là của chúng mình”, lời thơ: Định Hải, nhạc: Nhạc sĩ Trương Quang Lục, đã được rất nhiều lớp thiếu niên yêu thích. Bài hát với những ca từ đẹp, giàu hình ảnh đã được chắp cánh bằng những giai điệu rộn ràng. Những cánh chim bình yên cùng những tiếng chim gù biết bao thương mến nhẹ nhàng đi vào lòng người: “Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh/ Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến/ Hải âu ơi cánh chim vờn trên sóng”.

Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng đã viết ca khúc “Tình ca mùa xuân”. Bài hát ấy đã viết về tiếng chim lảnh lót, và có lẽ từ tiếng chim ấy, lòng người cảm thấy dường như bầu trời xanh hơn, cao hơn. “Em ơi em, mùa xuân đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá, cho trời xanh xanh thẳm”.

Cùng trong tâm trạng đón mùa xuân về, vượt qua những khó khăn, vất vả, nhạc sĩ Trần Chung đã gởi những tâm tình của mình bằng những lời ca nhìn về tương lai, với những bàn tay của những con người chung nhau xây dựng cuộc sống mới: “Qua bao nhiêu đau thương/ thấy mùa vui theo chim én đã bay về, ríu rít ngang trời/ Chim hát chào bàn tay dựng xây trên tầng cao có thấy” (Mùa xuân đến rồi đó).

Thêm một tình khúc rộn rã khác với sắc xuân đằm thắm, nào đâu thiếu tiếng chim góp tiếng hót làm vui cho đời, như hòa vào tiếng hát của người em gái, làm đẹp thêm, làm tưng bừng thêm cho mùa xuân: “Tiếng chim hót vui cho đời/ Tiếng em hát thêm yêu người/ Đẹp mùa xuân đang đến trong lòng tôi” (Dịu dàng sắc xuân – Nhạc sĩ Nguyễn Nam).

Ngược dòng thời gian, có những cán bộ tham gia kháng chiến từng trải qua những ngày tháng đấu tranh trong ngục tù, đã từng cất vang những lời ca đẹp đẽ của ca khúc “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký: “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân/ Gởi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương/ Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ”. Lời ca mang một niềm tin mạnh mẽ vào một tương lai tươi sáng, với những ánh rực rỡ của một chân trời mới của ngày mai.

Còn đây nữa, thêm những thanh âm tươi tắn, rộn ràng của tiếng chim, cùng tiếng ve râm ran trong rừng làm tâm hồn người chiến sĩ bừng lên những niềm vui. Nhạc sĩ Hoàng Việt đã gởi những niềm hân hoan ấy của những người chiến sĩ trên đường hành quân qua ca khúc “Nhạc rừng”: “Cúc cu, cúc cu chim rừng ca trong nắng/ Im nghe, im nghe ve rừng kêu liên miên”.

Ở những thời khắc khác nhau trong ngày, ca từ của bài hát cũng đã có sự khác nhau khi người nhạc sĩ viết về tiếng chim. Nếu buổi sáng, là tiếng hót vui để đường xa dường như ngắn lại; thì buổi chiều, đó là tiếng gọi đàn. Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Tuấn Khanh có những đoạn: “Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn” và: “Chờ sáng đến chim ca cho đường dài cũng không xa”.

Ở nhạc phẩm “Bức họa đồng quê”, nhạc sĩ Văn Phụng cũng đã góp những lời vui của những chú chim ríu rít hót. Những chú chim nhỏ bé ấy, cứ vô tư tung bay trên cành, vô tư tâm sự cùng nhau, để đồng quê mãi bình yên như những bức tranh thủy mặc hữu tình: “Đàn chim, chim chim non, đang ríu ríu rít hót/ tung cánh bay nhẹ lướt trên cành la đà”.

Ở thành phố cao nguyên Đà Lạt xinh đẹp nào vắng những tiếng chim hòa giọng cùng nhau. Ca khúc “Thương về miền đất lạnh” của nhạc sĩ Minh Kỳ đã mang đến cho khán thính giả những hình ảnh tươi đẹp, những thanh âm đồng vọng: “Gập ghềnh suối đá, lá chen hoa đẹp tươi/ với sương lam nhẹ rơi, với chim ca ngàn lời”.

Quê hương vẫn luôn ở trong tâm khảm của mọi người, nhất là những người do hoàn cảnh, phải sống xa quê. Với nhạc sĩ Từ Huy, tiếng tu hú gọi vẫn mãi là một phần đáng yêu trong ký ức về tuổi thơ của người nhạc sĩ: “Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao” (Quê hương tuổi thơ tôi).

Song, không chỉ có những thanh âm rộn rã. Còn đó, những ca khúc với tiếng chim hót u buồn.

Những tiếng hót u buồn

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, một người con của quê hương Bình Thuận, đã sáng tác rất nhiều bài hát để lại dấu ấn khó phai trong lòng người yêu âm nhạc của cả nước, trong đó có ca khúc “Hàn Mặc Tử”. Cũng từ câu chuyện tình đẹp và cũng thật buồn giữa người thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử và người đẹp Mộng Cầm, nhạc sĩ về thăm lại dấu xưa của Lầu Ông Hoàng một thuở, đã khắc khoải viết những lời ca: “Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng/ Tiếng chim kêu đau thương như nức nở dưới trời sương”.

Ở một hoàn cảnh khác, khi đã chia tay một cuộc tình, trong một ngày mưa, nghe tiếng chim họa mi hót, người con gái cảm nhận: Tiếng hót ấy vẫn rất dịu dàng, nhưng sao nghe buồn quá. Điều ấy, phải chăng chính từ nỗi quay quắt nhớ về một người, để vẫn còn đó nồng nàn dư vị một tình yêu? Nhạc sĩ Dương Thụ đã viết về tâm trạng ấy trong ca khúc “Họa mi hót trong mưa”: “Tiếng mưa rơi ngoài hiên, gió mưa như lạnh thêm/ Có con chim họa mi hót trong mưa buồn lắm. Nỗi nhớ anh ngày mưa, nỗi nhớ anh thật sâu nặng” cùng với: “Ôi trong mưa họa mi vẫn hót thật dịu dàng dịu dàng/ Trên môi em tình yêu đã mất còn nồng nàn nồng nàn”.

Thêm một tình yêu không trọn vẹn khi yêu thương qua đi, thì những đam mê vẫn cũng chỉ là nước trôi qua cầu. Anh, cánh chim mạnh mẽ của ngày xưa, giờ cũng rã rời cánh, chẳng biết phải bay về đâu. Nhạc phẩm “Cho người tình lỡ” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã có những lời ca: “Anh giờ đây như là chim/ rã rời cánh biết bay phương trời nao?”.

Hóa ra, những chú chim nhỏ nhắn, xinh xắn đã để lại biết bao tình cảm trong lòng những người nhạc sĩ. Đời người có nhiều cảm xúc, những ca khúc cũng mang lắm nỗi niềm. Thật nhiều bài hát với những tiếng hót tươi vui của những cánh chim ở khắp mọi miền đất nước; song vẫn thoáng có những tiếng hót nghe u buồn giữa thinh không, ấy là khi lòng người nặng trĩu những ưu tư. Loài vật bé nhỏ, vậy mà rồi vẫn mang những hy vọng vào thơ, vào nhạc, đọng lại trong lòng người theo mãi dấu thời gian.

MINH THÀNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trao giấy chứng nhận cho học viên học nghề đan lát truyền thống
BTO-Sáng 25/4, Bảo tàng tỉnh tổ chức bế mạc lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống của dân tộc K’ho xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc).
Nổi bật
“Lốc da cam” thêm mạnh
Những người yêu bóng đá thường nhớ đến Patrick Kluivert với bàn thắng ở phút thứ 85 trước AC Milan trong trận chung kết UEFA Champions League vào ngày 24/5/1995, qua đó giúp Ajax Amsterdam lần thứ tư giành Cúp C1 châu Âu. Sau gần 30 năm, người hâm mộ lại nhớ tới Patrick khi hôm qua, con trai của Patrick - Justin Kluivert đã lập hat-trick giúp Bournemouth giành chiến thắng 4-1 ngay trên sân của Newcastle.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những tiếng hót vui cho đời