Theo dõi trên

Niềm mong mỏi…

28/10/2022, 05:52

Gần cuối tháng 10, sương giăng dày hơn mỗi sáng, đến độ từ hàng ba nhìn sang nhà hàng xóm cũng chỉ thấy mờ mờ như thể nhìn qua lớp giấy kiếng.

Vậy là đã sắp sang đông rồi đấy, đồng nghĩa với một năm sắp qua đi. Cuối năm. Cái gì có chữ “cuối” cũng khiến người ta vương vấn thì phải. Cuối tháng. Cuối mùa thu. Cuối năm. Khoảng thời gian càng dài, niềm vấn vương càng lớn.

le-hoi.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Gần cuối năm lại là khoảng thời gian có nhiều lễ hội, đơn giản vì ngày xưa thời gian này là dịp đã thu hoạch xong mùa màng nên người ta tổ chức lễ hội để tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần thánh... Ngày nay, ngoài các ngày lễ hội truyền thống của cha ông truyền lại, còn có nhiều ngày lễ du nhập từ nước ngoài. Dù là truyền thống hay du nhập, ngày lễ nào cũng có ý nghĩa riêng, góp phần làm cho đời sống văn hóa thêm phong phú.

Những người trẻ mong chờ cuối tháng 10 bởi lẽ có lễ hội Halloween, hay còn gọi là lễ hội hóa trang. Trong ngày này người ta hóa trang thành các nhân vật mình yêu thích, tổ chức tiệc tùng, vui vẻ. Giới trẻ rất hào hứng với những hoạt động của lễ Halloween, đầu tư không ít tiền của và thời gian để chuẩn bị trang phục hóa trang. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng ý nghĩa của ngày lễ Halloween là để tưởng nhớ các vị thánh, những người thân đã qua đời. Theo quan điểm của người xưa, đây là dịp mà người đã mất được phép trở về thăm gia đình, nhận được nhiều lời cầu nguyện của người thân để sớm được siêu thoát. Bởi vậy người ta thường hóa trang thành ma quỷ để xua đuổi những linh hồn xấu, và thắp sáng bí ngô để soi đường cho linh hồn người thân trở về đúng nhà. Ngày nay ý nghĩa ban đầu của lễ Halloween đã bị mai một, lễ hội này được biết đến với cái tên Lễ hội hóa trang. Người ta thường hóa trang thành những nhân vật phim ảnh, hoạt hình mà mình yêu thích.

Những năm trước tôi thường không để ý đến ngày lễ Halloween cho lắm, nhưng năm nay thì ngược lại. Tôi mong đến ngày lễ này bởi vì muốn gặp lại người cha mới mất của mình. Nếu quả thật đó là ngày linh hồn người khuất được trở về gặp gia đình thì hay biết mấy. Cha ra đi quá đột ngột khi cả nhà còn chưa tin rằng cha bệnh nặng thì cha đã đi xa. Bởi vậy, ai cũng mong được thấy cha trở về, dẫu chỉ là hình bóng, dẫu chẳng thể cầm bàn tay hay chuyện trò cùng. Vậy mà cả nhà tôi chẳng ai thấy cha ngay cả trong mơ. Hình như cha không muốn vương vấn để làm khổ vợ con thì phải. Khuôn mặt ông khi mất, nụ cười trên môi mãn nguyện. Cũng phải, con cái đứa nào đứa nấy đã ổn định gia đình riêng, dẫu không giàu có. Trước khi cha mất cũng đã gặp đông đủ họ hàng, làng xóm. Ra đi chắc chẳng còn còn nuối tiếc điều gì là phải.

Cả đời cha cực khổ lo cho các con ăn học nên người. Nhà đông con cha mẹ phải chạy vạy mượn nợ để lo việc ăn học của con cái. Cả đời tích cóp chẳng dám ăn cái gì ngon, mặc cái gì đẹp. Con cái ra trường, đến tuổi cặp kê lại lo cưới xin, rồi xây nhà cửa cho con. Lúc nào cha mẹ cũng sợ con mình khổ, sống vợ chồng không hạnh phúc. Tới khi con cái ổn định có thể lo lại cho cha thì cha lại đột ngột ra đi. Bởi vậy trong lòng tôi luôn hiện hữu niềm ân hận, mỗi lần nghĩ tới cha là nước mắt lại rơi, càng thương nhớ ông lại càng giận mình bất hiếu.

Tôi mong được gặp lại cha, hỏi rằng cha ơi ở bên ấy có khỏe không, có thiếu thốn gì không. Nhưng niềm mong mỏi ấy mãi mãi chẳng thể thành hiện thực. Người đã ra đi làm sao mà quay trở về được nữa. Chỉ thương mẹ côi cút một mình, tối tối đi chùa đọc kinh cầu siêu cho cha. Mẹ không nói ra nhưng chắc hẳn trong lòng buồn đau dữ lắm. Mấy chục năm gắn bó cùng nhau, gian khổ ngọt bùi sẻ chia, giờ đột ngột lẻ bóng, hỏi ai không buồn cho đặng.

Càng gần 100 ngày của cha càng mong được một lần thấy mặt cha, trước khi cha siêu thoát, dẫu chỉ là trong mơ, để nói con xin lỗi đã phụ lòng kỳ vọng của cha. Cha cực khổ vất vả nuôi con ăn học mong thành tài mà rốt cuộc con lại không làm gì nên hồn làm cha nở mày nở mặt. Chật vật lo cơm áo hàng ngày, đến độ không có tiền để mua món ngon cho cha ngày lễ tết. Ngày trước con cứ nghĩ từ từ đợi kinh tế ổn định con sẽ mua đủ món ngon cho cha ăn thử cho biết. Con đâu biết rằng thời gian của cha thì có hạn, không phải lúc nào cũng sẵn sàng chờ được đến ngày con ổn định kinh tế. Cha đột ngột lâm bệnh, rồi đột ngột ra đi, bất ngờ đến độ lúc mặc bộ đồ trắng con vẫn chưa tin được rằng cha đã đi xa mãi mãi rồi.

Giờ đây hối hận thì mọi sự cũng đã muộn màng. Con chỉ mong gặp lại cha lần cuối, được nhìn khuôn mặt tươi cười, được gọi hai tiếng “cha ơi!”…

NGÂN KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tiếp nhận hiện vật, cổ vật văn hoá Chăm
BTO-Sáng 26/10, tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm (Bắc Bình) đã khai mạc hoạt động các loại hình văn hóa dân gian Chăm và lễ tiếp nhận hiện vật. Ông Xà Dương Thắng – Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, lãnh đạo các ban ngành cùng các vị chức sắc tôn giáo, nhân sỹ trí thức người Chăm ,du khách và nhân dân địa phương đã đến dự.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm mong mỏi…