Căn nhà chị Hòa được các bạn sinh viên che chắn lại. |
Bé Lê Thị Như Ý. |
Những đứa trẻ “khát” chữ
Để đến được nơi ở của gia đình chị Hòa, chúng tôi phải đi bộ qua con đường mòn dựng đứng giữa sườn núi. Lọt thỏm giữa vườn điều lâu năm là cái chòi nhỏ xíu che chắn bằng tôn trống trước hở sau. Diện tích bên trong chỉ đủ kê 2 miếng ván, giăng sẵn cái mùng rách làm chỗ ngủ cho cả nhà. Tất cả các vật dụng trong nhà chỉ có những cái chén sành ố màu, vài ba bộ quần áo cũ kỹ vắt lên dây thép cột sát vách tôn để chừa lối đi mỗi khi ra vào.
Lúc tôi đến cũng tầm ban trưa, hai đứa nhỏ con chị đang lúi húi rang mấy nắm đậu phộng ở cái chái bếp sát bên hông chòi. Bữa trưa của 4 mẹ con chỉ vỏn vẹn có nắm đậu phộng rang và chén muối. Đứa con trai lớn học lớp 3, đứa nhỏ năm nay vào lớp 2, mặt mũi đứa nào cũng nhem nhuốc than tro bếp. Nồi đậu phộng cũng lắc lư theo đôi bàn tay bé xíu. Hai má chúng cũng đỏ ửng vì hơi nóng của ngọn lửa tỏa ra xung quanh. Bên bếp lửa hồng cháu bé thân hình nhỏ nhắn, gầy guộc cứ dán mắt vào cuốn tiếng Anh lớp 3 cặm cụi đọc. Những từ tiếng Anh phát âm rất chuẩn của bé Lê Thị Như Ý vang lên làm tôi chú ý. Mới bước vào lớp 2 nhưng em đã đọc, viết thành thạo. Đặc biệt, em còn đọc vanh vách sách tiếng Anh lớp 3 của anh. “Đi học trên trường về, tối hai anh em chong đèn ngồi học. Bé Ý siêng năng, sáng dạ, hễ thấy anh đọc gì đọc theo, 5 tuổi cháu đã biết đọc, biết viết. Chỉ tội mình nghèo quá sợ không lo được cho các con theo đuổi con chữ”, giọng chị Hòa nghẹn lại. Nhìn con, chị Hòa cứ rưng rưng nước mắt. Tôi hiểu được tình thương con đang trào dâng lên trong lòng người mẹ nhưng đành bất lực nên đôi mắt chị cứ đỏ au suốt buổi gặp. Những giọt nước mắt cứ chực sẵn để tuôn ra trên gương mặt hốc hác. Thỉnh thoảng chị lặng lẽ vội lau khô nước mắt như che giấu bớt nỗi lo toan đang rối bời.
Và sự bế tắc
Chị Hòa quê ở Nam Định, năm 2002 chị vào Bình Thuận sinh sống bằng nghề làm thuê. Cuộc đời làm thuê rong ruổi nay đây mai đó. Tình cờ, năm 2003 chị vào Đa Mi gặp anh Nguyễn Văn Tài quê ở miền Tây rồi nên nghĩa vợ chồng. Tính chịu thương chịu khó, vợ chồng cũng có cái ăn, cũng rôm rả tiếng cười như bao gia đình nghèo khó ở đây. Chẳng may, chồng chị bị bệnh lao mất sức lao động. Lại thêm đứa con trai đầu của chị bị hạch ở cổ phải đi chữa trị nhiều lần ở bệnh viện TP. Hồ Chí Minh đã “ngốn” hết số tiền dành dụm của gia đình. Từ ngày chồng bệnh, chị một mình làm lụng để bươn chải cuộc sống và lo cho chồng, con. Gia tài duy nhất là 2 ha điều chị đành bán, vay thêm ngân hàng để chữa trị cho chồng, lo cho con. Vì làm lụng quá sức cộng với cuộc sống khốn khó, chị mắc thêm bệnh hở van tim. Cuộc sống túng quẫn cộng với bệnh tật, chồng chị chán nản bỏ đi, căn bệnh hở van tim của chị mỗi ngày một nặng thêm. “Có lúc tôi mệt lả đi như không còn một chút sức lực. Nhìn đàn con thơ, hai cháu đang đi học và cháu vừa tròn 6 tháng tuổi tôi lại gắng gượng”, chị Hòa nói. Những ngày hè vừa qua, đội sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận vừa giúp chị che chắn lại cái chòi, hỗ trợ được vài bộ quần áo cũ, sách vở cho bọn trẻ đến trường, vượt đồi dốc đem từng can nước giúp gia đình chị sinh hoạt. Tình cảm của các bạn trẻ đã sưởi ấm lòng người mẹ nghèo. Trong ánh mắt chị lấp lánh niềm vui và sự quyết tâm vượt qua nghịch cảnh.
Chị Hòa rất cần sự quan tâm của các nhà hảo tâm để vượt qua khó khăn, để những đứa trẻ “khát” con chữ được viết tiếp ước mơ tới trường.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ địa chỉ: Tòa soạn Báo Bình Thuận - đường Võ Văn Kiệt, Khu dân cư Hùng Vương 2 - Điện thoại 062.3822866 |
Thanh Duyên