Theo dõi trên

Nội dung chủ quyền biển đảo trong chương trình môn lịch sử mới

10/11/2023, 05:44

Đến năm học 2023 - 2024, các khối lớp 4, 8 và 11 bắt đầu học sách giáo khoa mới. Mặc dù còn một số hạn chế, bất cập; xong phải ghi nhận rằng chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới, tiến bộ. Đó là nội dung về chủ quyền biển đảo; về Hoàng Sa, Trường Sa lần đầu tiên được đưa vào sách giáo khoa môn lịch sử - địa lý (ở tiểu học và trung học cơ sở) và môn lịch sử cấp trung học phổ thông.

Theo chương trình ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGD-ĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nội dung chủ quyền biển đảo sẽ được đưa vào giảng dạy ở cả 3 khối: lớp 5 (tiểu học), lớp 8 (trung học cơ sở) và lớp 11 (trung học phổ thông); trong đó, nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp là khác nhau, phù hợp với năng lực nhận thức của các em. Cụ thể, chương trình môn lịch sử và địa lý 5 có 6 chủ đề. Nội dung biển đảo thuộc chủ đề số 1 – Đất nước và con người Việt Nam. Theo đó, chương trình được thiết kế để các em học sinh tiểu học biết xác định vị trí địa lý của vùng biển, một số đảo, quần đảo lớn của nước ta trên bản/lược đồ. Biết sử dụng một số tư liệu, tranh ảnh, câu chuyện liên quan (Hải đội Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa...) để trình bày công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông trong lịch sử. Đồng thời sẽ biết cách sưu tầm, đọc và kể lại được một số câu chuyện, bài thơ về biển đảo Việt Nam.

lich-su.jpg
Học sinh huyện đảo Phú Quý tham quan các bản đồ cổ khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ảnh: T.D.

Hiện nay môn lịch sử và địa lý 5 chưa có sách giáo khoa, theo lộ trình sẽ được áp dụng trong năm học tới 2024 - 2025. Sách giáo khoa lịch sử và địa lý 8 được phân thành 2 phần riêng biệt. Phần lịch sử có 6 chương, chia thành 23 bài học; phần địa lý gồm 23 bài học trong 4 chương. Ngoài các nội dung tách biệt, sách giáo khoa 8 có 2 chủ đề chung là: Văn minh châu thổ sông Hồng – Văn minh châu thổ sông Cửu Long và Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông.

Chủ đề Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông sẽ giúp các em học sinh biết xác định vị trí, phạm vi của vùng biển và hải đảo Việt Nam (theo Luật Biển Việt Nam); đặc điểm môi trường và tài nguyên biển đảo. Biết được những nét chính về môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Cao hơn là phân tích được những thuận lợi, khó khăn đối với phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền, các quyền, lợi ích hợp pháp của nước ta ở biển Đông; cũng như quá trình xác lập chủ quyền biển đảo trong lịch sử Việt Nam.

Theo hiện Nghị quyết 63/2022 của Quốc hội khóa 15, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 13/2022/ TT-BGDĐT ngày 3/8/2022 thì môn lịch sử là một trong 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Do chuyển từ môn lựa chọn sang bắt buộc nên môn lịch sử được điều chỉnh lại cho phù hợp, với thời lượng 52 tiết/năm học. Ở chương trình lịch sử 11, nội dung biển đảo nằm trong chương 6 – lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông, chiếm 12%, chia thành 2 bài học và được phân bố khoảng 6 tiết học. Theo đó, các nội dung ở lớp 11 không những được nâng cao hơn so với các cấp học trước mà còn mở rộng ra một cách toàn diện, khoa học. Ở nội dung: Vị trí và tầm quan trọng của biển Đông, sau khi học xong học sinh phổ thông sẽ xác định được vị trí của biển Đông trên bản đồ, trong đó có các đảo và quần đảo; biết giải thích tầm quan trọng chiến lược của biển Đông và các đảo, quần đảo về giao thông biển, vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nội dung Việt Nam và biển Đông sẽ giúp các em nêu được tầm quan trọng chiến lược của biển Đông đối với Việt Nam về quốc phòng, an ninh, về phát triển các ngành kinh tế trọng điểm. Đồng thời, biết được rằng Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lý liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng sa và Trường Sa trong lịch sử.

Bình Thuận với 192 km bờ biển, là 1 trong 28 tỉnh, thành phố ven biển, có Phú Quý là 1 trong 12 huyện đảo của cả nước nên có vị trí quan trọng trong chiến lược biển của Việt Nam. Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận đã triển khai một cách có hiệu quả nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo với nhiều hình thức phù hợp trong các nhà trường. Tiêu biểu như hoạt động ngoại khóa, dạy học tích hợp, tổ chức tham quan triển lãm... Và mới đây nhất (ngày 4 và 5/11), Sở GD-ĐT cùng Sở Thông tin - Truyền thông và Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam tổ chức triển lãm số Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý tại Trường THPT Lương Thế Vinh và Trường THPT Hàm Thuận Nam.

Tóm lại, nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo quốc gia là một chủ đề xuyên suốt của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, sách giáo khoa trước đây chủ đề này hầu như bị “bỏ ngỏ”, thì nay chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã khắc phục được những hạn chế đó. Với dung lượng kiến thức được đưa sách giáo khoa các cấp học một cách phù hợp, toàn diện, khoa học sẽ góp phần “lấp đầy” những điểm “khuyết” kiến thức về lịch sử chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông.

THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nâng chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn trong tình hình mới
Để công tác Đoàn và phong trào thanh niên thật sự vững mạnh, bên cạnh đổi mới hình thức hoạt động, thì nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đây chính là lực lượng nòng cốt, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức mọi hoạt động của tuổi trẻ.
Nổi bật
Hàm Tân: Hai danh mục công trình nước sạch được lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư
Ở vùng đất khô hạn Hàm Tân, nước không chỉ cần thiết cho tưới tiêu nông nghiệp mà còn với sinh hoạt đời sống hàng ngày của hàng chục ngàn người dân. Nhiều người dân trong huyện đã nêu kiến nghị về tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại các địa phương vào mùa nắng nóng kéo dài, có nơi phải mua nước sinh hoạt với giá cao.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nội dung chủ quyền biển đảo trong chương trình môn lịch sử mới