Theo dõi trên

Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt mùa khô

05/05/2023, 05:15

Thiếu nước sinh hoạt vào cao điểm mùa khô, đây đã và đang là bài toán nan giải tồn tại nhiều năm nay của người dân tại một số địa phương trên địa bàn huyện Tánh Linh. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Và mùa nắng nóng trở thành mùa “lo lắng” nhất về vấn đề nước sinh hoạt của người dân.

Những ngày đầu tháng 5, khi ánh mặt trời vừa mới nhô lên trên đỉnh núi Ông đã liền phả làn hơi nóng bức rất khó chịu xuống. Bầu trời trong xanh, chẳng có một chút gợn mây, hơi nóng trên cao cứ hầm hập tỏa xuống các khu dân cư. Bà Lê Thị Hai (68 tuổi) ở thôn 1, xã Huy Khiêm mới sáng sớm đã than vãn: Giếng đào sâu 15m, mọi năm ngoài gia đình dùng thì còn cho 2, 3 hộ trong xóm cùng sử dụng. Thế nhưng, năm nay mới gần cuối tháng 4 (dương lịch) giếng đã cạn kiệt, không đủ cho một mình gia đình sử dụng. Điều bà Hai lo sợ là năm nay nhuần 2 tháng 2 (âm lịch), thời tiết nắng nóng sẽ kéo dài hơn thì không biết lấy đâu ra nước sinh hoạt. Bà Hai còn may mắn chỉ mới thiếu nước sinh hoạt mùa khô năm này còn hàng trăm hộ dân ở xã Huy Khiêm đã phải chịu cảnh thiếu nước vào mùa nắng nóng nhiều năm nay.

thieu-nuoc-sinh-hoat.jpg

Theo ông Huỳnh Văn Thảo ở thôn 1, xã Huy Khiêm, thì gia đình ông vào mảnh đất này sinh sống từ năm 1987 và cũng gần chừng đó năm gia đình phải sống chung với việc thiếu nước sinh hoạt vào cao điểm mùa khô. Trước đây, gia đình đông người càng khổ sở hơn nhưng mấy năm nay, các con đều đã có gia đình riêng, chỉ còn 2 ông bà già. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy cứ ăn tết xong là giếng bắt đầu bị hụt nước cho nên phải sử dụng tiết kiệm. Nước giếng chỉ dùng cho việc tắm, giặt, còn nước ăn, uống thì phải mua từng bình về sử dụng. Thiếu nước nên cây trồng trong vườn nhà phải tận dụng từ nước rửa chén bát, rau, quả, tắm giặt… tưới cầm chừng, vì thế cây cối nó cứ héo dần.

Theo Chủ tịch UBND xã Huy Khiêm Nguyễn Minh Dũng, hiện địa phương đang có trên 200 hộ dân thuộc thôn 1 và thôn 5 đang bị thiếu nước sinh hoạt. Không chỉ năm nay mà nhiều năm qua cứ vào cao điểm mùa khô là các hộ dân nói trên bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều hộ cũng đã khoan giếng, thậm chí có hộ đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng sâu đến hơn 100m, thế nhưng vẫn không có nước. Có hộ lại chọn phương án đào thêm giếng, nhưng chỉ được một thời gian cũng đứt nước. Để đảm bảo nước sinh hoạt người dân phải đi xin nước về dùng. Có hộ đến nhà bà con xin tắm, giặt nhờ chờ mùa mưa đến. Nhiều năm nay cử tri Huy Khiêm nhiều lần kiến nghị với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp về vấn đề nước sinh hoạt thiếu và mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư nhà máy nước sạch để cung cấp cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Không chỉ ở địa bàn xã Huy Khiêm mà ở một số địa phương khác của huyện Tánh Linh, nhiều hộ dân cũng đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào cao điểm mùa khô.

Tánh Linh có 5 nhà máy nước với tổng chiều dài đường ống cấp nước 114.528 m, do Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Bình Thuận quản lý đang hoạt động đáp ứng nhu cầu nước cho khu đô thị, khu dân cư tập trung tại 9 xã, thị trấn với số hộ lắp đặt thủy kế 4.784 hộ/28.697 hộ dân trong toàn huyện. Công suất đạt 2.840m3/ngày đêm. Hiện tại huyện đã kêu gọi đầu tư các dự án Nhà máy nước Tà-Pao-N.I.D tại xã Đức Bình, Nhà máy nước Gia An tại xã Gia An để phát triển, mở rộng phục vụ nhu cầu cung cấp nước sạch trên địa bàn toàn huyện.

Trong khi trông chờ các nhà máy nước này được khởi công xây dựng để phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân thì hiện tại hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện vẫn đang khổ sở vì điệp khúc thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt người dân cũng chỉ mong chờ những cơm mưa đầu mùa đến sớm hơn để bà con có nước sinh hoạt, ổn định cuộc sống.

NGỌC KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Nhiều kết quả nổi bật trong công tác Mặt trận
Từ đầu năm đến nay, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là tuyên truyền Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”; các ngày lễ, kỷ niệm của quê hương, đất nước; lịch sử truyền thống Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ tại Salon - xã Đông Giang... đã tổ chức được 400 đợt, thu hút trên 16.702 lượt người tham dự.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt mùa khô