Vào những ngày cuối năm do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp trong nước không còn đơn hàng để sản xuất. Vì vậy, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất da giày, túi xách, chế biến gỗ, may mặc, điện tử... đã buộc phải sa thải hàng loạt công nhân, nhằm cắt giảm chi phí để tồn tại. Bên cạnh việc cắt giảm nhân sự, nhiều công ty muốn níu kéo, giữ chân người lao động lại ra thông báo, cho công nhân nghỉ tết kéo dài, tình trạng này khiến đời sống người lao động xa quê gặp nhiều khó khăn.
Một phiên giao dịch việc làm tổ chức tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận (ảnh tư liệu)
Lâm Văn B ở thôn Thắng Hòa, xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) đang làm công nhân cho một công ty da giày ở TP. Hồ Chí Minh. Như mọi năm B chỉ có mặt ở nhà lúc cận Tết Nguyên đán 29, 30 tháng Chạp, vậy mà năm nay “nghỉ tết sớm” nói vậy nhưng thực chất là mất việc do công ty giảm giờ làm, cắt giảm lao động buộc phải về quê sớm. B tâm sự: “Công ty thông báo không có đơn hàng sản xuất nên em bị cho thôi việc từ tháng 11. Buồn lắm nhưng không biết làm sao bây giờ. Lúc đó còn 2 tháng nữa là tết mà tình cảnh khó khăn chung các doanh nghiệp đều sụt giảm đơn hàng, có ở lại cũng không xin được việc nên em quyết định về nghỉ tết rồi qua năm vào lại xin việc”. Đối với những người trẻ chưa lập gia đình như B vẫn còn xoay xở được, nhưng đối với những lao động đi làm ăn xa quê là nguồn thu nhập chính của gia đình thì tết này càng thêm chật vật.
Để ngăn ngừa thất nghiệp, phục hồi thị trường lao động, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã yêu cầu rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để có phương án tổ chức kết nối cung – cầu lao động. Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng yêu cầu hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tốt để kịp thời hỗ trợ người lao động bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm. Cục Việc làm cũng yêu cầu bố trí nguồn lực để đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỉ đồng để thực hiện ngay trong năm đưa tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỉ đồng…
Tỉnh ta, tại nhiều địa phương hiện có số lượng người lao động làm ăn xa quê và gặp khó khăn chật vật trong những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề. Công nhân xa quê mất việc, đó không chỉ là lo lắng của riêng họ, mà còn là mối lo của toàn xã hội. Để giúp công nhân xa quê mất việc tháo gỡ những khó khăn trước mắt, rất cần đến sự hỗ trợ của cơ quan quản lý rà soát, nắm chắc tình hình lao động bị cắt giảm quay về địa phương để đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ, giải quyết tình hình việc làm cho người lao động khi quay về địa phương, nhất là sau tết. Cũng như có các giải pháp kết nối cung – cầu cung cấp cho người lao động xa quê những thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động tại tỉnh, giúp họ tìm kiếm cơ hội việc làm nếu muốn chuyển đổi nghề, bám trụ lại quê hương làm việc lâu dài.