Thời trai trẻ yêu nghề, tôi thường vác ba lô đi dọc theo sông khám phá trải nghiệm những vùng đất ven sông mà mình yêu thích. Thú vị nhất là nơi đầu nguồn để viết và chụp ảnh thiên nhiên cho Tạp chí Heritage của hãng hàng không quốc gia Việt Nam bằng hai thứ tiếng Việt - Anh. Do được lang thang nhiều nơi từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi phát hiện tại sao người Việt mình thích đặt tên con sông, ngọn núi mang thuật ngữ DINH như sông Dinh, núi Dinh. Sau này có tuổi tự học thêm Hán Nôm mới nhận ra chữ Dinh bao gồm hai chữ hỏa và một chữ cung, mang nội hàm ở nghĩa thứ ba là vùng đất tỏa nguyên khí cho đất và người.
La Gi vùng đất thuộc lưu vực sông Dinh, nơi giao thoa giữa sông và biển rộng 182,8 km2. Sử sách còn ghi lại vào thời Minh Mạng thập bát niên tức năm 1837 mới có đợt di dân đến đây lập nghiệp. Thời cha ông chân trần mang gươm đi mở đất mang theo ước vọng là sẽ định cư nơi mới trong hạnh phúc ấm no, con cháu nên người. Và con sông Dinh khởi nguồn từ đỉnh núi có hai chữ HỎA mang nguyên khí của đất trời phủ sóng cho đất và người La Gi được hòn Bà giữ lại như một báu vật được thiên nhiên trao tặng cho vùng đất này.
Đất La Gi dưới góc nhìn của một tiến sĩ xã hội học người Nhật
Mới đây ngồi quán cà phê với người bạn học cùng lớp ở cửa biển La Gi, tình cờ gặp một trung niên trên 30 tuổi người Nhật gốc Mexico tên là Cruzo. Anh cho biết mình là tiến sĩ xã hội học tốt nghiệp tại Nhật đang trên lộ trình đi phượt theo quốc lộ 55, con đường kết nối với biển mặn chè xanh. Biết tôi là dân La Gi gốc đang trên đường về xứ trà B’Lao nên anh rất vui xin được phép vào bàn rồi gọi thêm cà phê để có cơ hội thêm bạn mới và nhân tiện hỏi thêm văn hóa vùng miền và lộ trình phía trước. Cruzo xin phép mở tấm bản đồ Việt Nam trải lên bàn nhìn chăm chú rồi chép miệng hỏi tôi bằng tiếng Anh lơ lớ âm sắc Nhật Bản “Đất nước của các ông nguyên nhân gì mà người dân chỉ bám trụ theo ven biển mang hình chữ S vậy!”. Theo thói quen nghề nghiệp, tôi đứng dậy chủ động bắt tay anh và trả lời một cách chân tình theo phong thái giao tiếp quốc tế “Trước tiên xin cảm ơn tiến sĩ đã ghé thăm quê hương chúng tôi, theo thông lệ người Việt, tôi mời ông và xin phép trả tiền bữa tiệc sáng nay”. Cruzo cũng lịch sự đứng dậy bắt 2 tay ẩn chứa sự xúc động. Và câu chuyện được tiếp tục “Nước Việt trải dài 4000 năm dựng và giữ nước, ngày xưa tổ tiên chúng tôi Nam tiến theo đường biển, vì vậy họ thường định cư theo lộ trình ven biển. Đặc điểm người Việt chỉ thích bám trụ ở cửa sông đổ ra biển, sau đó lan tỏa ra rừng núi. Nơi chúng ta đang ngồi gọi là cửa biển sông Dinh thuộc thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, nơi mà ngày xưa cha ông chúng tôi định cư tại đây vào năm 1837. Ông là nhà xã hội học được trải nghiệm nhiều vùng miền trên thế giới, xin ông có thể chia sẻ cảm nghĩ về những vùng đất giao thoa của 2 nền văn minh rừng biển này!” tiến sĩ Cruzo ngã người ra ghế dựa nhìn dòng sông Dinh lững lờ trôi vọng theo tiếng động cơ tàu thuyền về bến rồi trầm tư chia sẻ: “Tại Brazil, Mexico, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, nơi tôi từng đến để tìm hiểu góc độ xã hội học. Nơi ấy, con người thường chọn vị trí cửa biển để sinh tồn. Họ không chỉ tồn tại cho chính mình mà còn cho con cháu họ tiếp nhận hai nền văn hóa ven sông - biển để nhận ra mình trong quần thể thiên nhiên. Nhìn dòng sông, con người nhận ra được phù sa, sự hiền lành và hung bạo của dòng nước theo mùa, hoặc là tồn tại theo định luật chim sẻ (Sparrow’s Law) cho phù hợp. Cũng tại nơi đó họ nhận ra đại dương với những con sóng hung dữ càn quét đất liền làm cho con người cần nhau để bảo vệ chung sống. Chính thiên nhiên dạy họ bài học sống chết hay tồn tại (to be or not to be). Đối với thiên nhiên, phía sau của những con sóng hiền lành là sự giận dữ tàn nhẫn của biển. Là dân biển, chắc ông biết những con sóng thần mới xảy ra gần đây tại Thái Lan và Nhật Bản. Vùng đất sẽ tạo ra tính cách của con người, tôi và ông đều sử dụng tiếng Anh nên có thể phân biệt hai thuật ngữ Wise và Smart, cả hai từ đều chỉ sự thông minh, khôn khéo trong giao tiếp nhưng Wise chỉ sự khôn ngoan do từng trải lăn lộn với thiên nhiên và xã hội mà có, còn Smart do học hành mà hình thành. Dân tây phương luôn dạy con người cả hai thuật ngữ này mới có cơ may sinh tồn, còn đất nước của ông chỉ chú trọng Smart nên cha mẹ cố bao cấp cho con theo con đường học thuật. Các nước phát triển công nghiệp, trẻ em sau 18 tuổi rời khỏi nhà hoặc động viên con cháu tự kiếm tiền ra nước ngoài để trải nghiệm với mục đích để biết, để làm, để chung sống và để tự khẳng định mình, có thế mới tạo ra những con người thật sự. Người Việt thường nói trường học và trường đời. Dưới góc độ xã hội học trường đời khác với trường học ở chỗ, trường học chúng ta được học trước mới khảo sát (testing) sau, còn trường đời chúng ta sẽ bị khảo sát trước mới nhận ra kỹ năng thái độ và năng lực của mình. Ở vùng đất nơi chúng ta đang ngồi này tự nó đã bao gồm các yếu tố của hai trường như tôi đề cập còn cộng thêm sự kết nối thời kỳ thế giới trong tầm tay của chúng ta”.
Và La Gi đất lành chim đậu
Theo sử sách địa phương, hơn 200 năm trước La Gi là vùng đất hoang, nơi lánh nạn chính trị của xứ đàng trong và đàng ngoài khi năm 1862 nhà Nguyễn nhượng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp rồi đến 1867 quân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ. Thời ấy một số sĩ phu miền Nam và miền Trung bất bình sự nhu nhược của triều đình, nên kéo theo dòng tộc và người thân quen theo đường biển về La Gi định cư ẩn dật chờ thời. Vì vậy, La Gi mang tính đặc thù của một vùng đất tụ nghĩa mang nguyên khí quốc gia. Sau 1954, La Gi lần lượt tiếp nhận hàng vạn người khắp nơi đến sinh sống, trong đó: 6.000 đồng bào miền Bắc di cư vào năm 1955; 5.000 Việt kiều Campuchia hồi hương năm 1970; khoảng 25.000 đồng bào Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam di dân năm 1973 theo kế hoạch khẩn hoang lập ấp của chế độ cũ. Sau năm 1975 làn sóng di cư tự do từ Bắc vào, tất cả đã làm cho dân số vùng này tăng nhanh. Vào năm 1975, dân số La Gi đã có 68.422 người và đến nay gần 110.000 người. Theo kế hoạch năm 2025, La Gi trở thành thành phố du lịch, nghỉ dưỡng loại 2 của tỉnh.
Hiện nay những người dân tha phương định cư tại đây bao gồm ba miền, tuy nhiên trẻ con sinh ra tại đây đều nói bằng chất giọng La Gi với âm điệu mới là nhẹ hơn giọng Phan Thiết như âm sắc giữa Quảng Ngãi nhẹ hơn Quảng Nam. Trước năm 1990, La Gi vẫn còn nghèo, mức sống thấp. Sau thời mở cửa kinh tế phát triển đồng nhịp nên tốc độ xây dựng nhanh hơn. Bạn tôi, anh Trần Đình Tưởng gần 70 tuổi, anh sinh ra và lớn lên tại La Gi, người gắn bó và yêu thích phố biển này cả một đời người. Có lần anh chia sẻ với tôi “La Gi xứ mình giàu hay nghèo theo thăng trầm lịch sử nhưng đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, tại đây đã xuất hiện những nhân vật tên tuổi như nhà xã hội học Nguyễn Ngu Ý, tiến sĩ y khoa Đỗ Hồng Ngọc, tiến sĩ Nguyễn Súy chuyên viên NASA của Mỹ, giáo sư tiến sĩ Bùi Cách Tuyến nguyên hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm, Kha Kim Chấn Nguyên - Tiến sĩ ngành hàng không Pháp 26 tuổi... Đó cũng là điều tự hào của quê mình ông ạ!”.
Đồng hành với Cruzo theo con đường biển mặn chè xanh, nhìn anh chen chân giữa phố thị đông người, tôi mơ hồ nghe sau lưng văng vẳng giọng nói của anh khi nhìn chăm chăm vào tấm ảnh trung tâm phố biển La Gi được chụp bằng Flycam “Như ông nói chữ Dinh mang nội hàm nguyên khí được bắt đầu từ núi Ông. Ngay trong tấm ảnh này nơi dòng sông đổ về biển cả được hòn Bà chặn lại, điều đó có nghĩa là nguyên khí vùng đất đã được bảo vệ. Trong tương lai La Gi tự nó sẽ hình thành một thung lũng Silicon, nơi tập trung nhiều trí tuệ của con người và chắc chắn trở nên giàu có. Vùng đất biển này sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư cũng như lượng khách du lịch trong và ngoài nước ông ạ!”.