Hội tụ ở Phan Điền
Lấp lánh như lúa mẹ
Khi khí lạnh tràn về vùng Phan Lâm, Phan Sơn thì mực nước hồ Sông Lũy cũng đứng yên. Nhưng lúc này, ai đi qua tuyến QL 28B và cả đồng bào Rắc Lây, K’ho đều nhận ra, sau khoảng thời gian được phép tích nước không dài, vì lý do khách quan, hồ Sông Lũy đã mênh mông nước. Từ đây, cũng để thấy phần nào năm nay, thời tiết như chiều lòng người, rõ nhất ở 4 xã vùng cao của Bắc Bình. Như vụ mùa vừa kết thúc, cả 4 xã đều có 1 mùa vụ bội thu, với sản xuất hơn 3.200 ha, đạt hơn 11.000 tấn lương thực, bất chấp chi phí sản xuất tăng cao. Hơn thế, có xã như Phan Tiến còn có diện tích gieo trồng đạt đến 336,9% so kế hoạch. Ngoài giống lúa quen ML48, các giống lúa khác như Đài Loan thơm, TH6… đã được trồng ở 4 xã này theo chương trình 61, hỗ trợ người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất… đều cho năng suất 5 - 7 tấn/ha. Trong khi đó, cây lúa mẹ trồng trên nương cao khoảng 6 tháng qua cũng bội thu, khiến người dân ở 4 xã mừng lắm, vì được ăn Tết Đầu lúa xôm tụ.
Có gạo từ lúa mẹ, những ngày này, nhà nào cũng có thể ăn tết với đủ đầy các món truyền thống. Vì gạo từ lúa mẹ có thể là nguyên liệu chế biến của khá nhiều thức ăn, nước uống đặc trưng của người Rắc Lây, K’ho trong thời gian tết. Gạo để nấu cơm cúng dâng lên ông bà tổ tiên. Gạo để làm các loại bánh. Gạo để làm rượu nếp…Và gạo để làm rượu cần. Nhà ai nghèo đến thế nào cũng gắng làm ché rượu cần để tết đãi bạn bè, láng giềng. Người già trong làng cho biết, đối với người K’ho, Rắc Lây, rượu cần vừa giữ vai trò hiến dâng lên các vị thần linh, vừa là sản vật giao tiếp giữa con người với nhau và là “cầu nối” truyền đạt tâm tư nguyện vọng của con người với đấng tối cao. Vì vậy, không có rượu cần thì không có lễ hội và văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc cũng thiếu phần thi vị hơn.
Vì thế, dù kỹ thuật sản xuất lúa nước đã tràn lên vùng cao này từ nhiều năm trước, diện tích trồng lúa của bà con đã tính trên con số ngàn ha nhưng mỗi nhà ở đây đều dành ít nhất nửa sào hoặc một sào để trồng giống lúa mẹ. Lúa thu hoạch về, giã ra gạo rồi để dành dùng trong thời gian ăn Tết Đầu lúa, thường là kéo dài 1 tháng nằm trọn trong tháng chạp, tháng giáp tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam nhưng chính thức là vào 2 ngày dịp rằm tháng chạp. Vì thế, nói đến lúa mẹ, đâu chỉ người Rắc Lây, K’ho mà ngay người dưới đồng bằng cũng cảm nhận sự lấp lánh của sản phẩm đong đầy văn hóa này.
Tranh đua phát triển
Trước đây, mỗi xã tự tổ chức tết nên rời rạc, cách chia, Tết Đầu lúa cũng không nổi bật. Những năm sau này, Tết Đầu lúa được huyện Bắc Bình tổ chức thành Ngày hội văn hóa, thể thao các xã vùng cao. Theo đó, 4 xã gồm Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Tiến và Phan Điền thống nhất mỗi năm, từng xã đăng cai tổ chức. Bao nghệ nhân, già làng, trai tráng… được gọi là tinh hoa của mỗi xã hội tụ về nơi xã đăng cai tổ chức để tranh tài. Nhờ thế, Tết Đầu lúa được nâng tầm trên mọi mặt và qua đó còn gắn kết giữa các xã, tạo không khí tranh đua hữu ích. Và điều đáng nói, vấn đề không chỉ dừng ở các cuộc thi, hoạt động trong ngày Tết Đầu lúa như dựng trại và trang trí cây nêu, bắn nỏ, bóng đá mini nam, giã gạo, nấu cơm trong ống lồ ô, gùi nước, biểu diễn văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc… Mà còn bởi qua đó thúc đẩy các xã này được quan tâm xây dựng cơ sở vật chất văn hóa đủ lớn, đủ rộng để có nơi vui chơi, ăn uống của các đội thi lẫn người dân của 4 xã về. Xuất phát từ lý do trước tiên ấy, từ các năm trước, 4 xã vùng cao được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn theo tiêu chí số 6 của Nông thôn mới, dù bên cạnh các tiêu chí khác chỉ mới bắt đầu.
Vào dịp rằm tháng chạp này, tức ngày 5 - 6/1/2023, Phan Điền đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao 4 xã miền núi lần thứ XXVII năm 2023. Phan Điền đã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa từ năm 2020, trong khi hiện tại, xã còn 4 tiêu chí khác chưa đạt theo chuẩn của bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Trong khi đó, Phan Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn cũng đạt tiêu chí số 6 từ mấy năm trước và hiện số tiêu chí khác trong xây dựng xã nông thôn mới, các xã này lần lượt đạt là 12, 11 và 9 tiêu chí. Qua đó, cho thấy chính các thiết chế văn hóa mà các xã này được đầu tư xây dựng là cơ sở, góp phần giúp Tết Đầu lúa của 4 xã vùng cao giữ trọn nét đặc sắc trong văn hóa Bình Thuận. Sự đặc sắc ấy không chỉ vì những khác biệt hấp dẫn trong đời sống văn hóa của người Rắc Lây, K’ho mà còn vì độ hiếm của nó. Hiện chỉ ở Bắc Bình còn lưu giữ và phát triển lễ hội Tết Đầu lúa.