Theo dõi trên

Nông thôn mới Hàm Thuận Nam: Vẫn là nhất nước

27/12/2022, 05:54

Năm 2022, bên cạnh 2 hồ thủy lợi trên địa bàn xã Tân Lập được nâng cấp theo dự án WB8; nhiều tuyến kênh thủy lợi nhỏ, nội đồng trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam đang và sẽ khởi động theo Kế hoạch 4884/2021 của UBND tỉnh.

Vì vậy, việc đạt và giữ chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới của các xã trong huyện vốn có tiếng hay xảy ra hạn cục bộ vào cao điểm mùa khô này sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Cuộc tiếp sức từ xây dựng thủy lợi nhỏ, nội đồng

9/12 xã đạt chuẩn

Ngay từ đầu mùa mưa, UBND xã Tân Thuận đã có tờ trình gửi Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận – Chi nhánh Hàm Thuận Nam triển khai nạo vét Kênh N1 Ba Khai –thuộc địa bàn xã. Theo tờ trình, các tuyến kênh mương nội đồng trên địa bàn thôn trong xã đều đã được các hộ dân triển khai nạo vét từ trước mùa mưa. Chỉ còn Kênh N1 Ba Khai thuộc quản lý của công ty với chiều dài 4,5 km chảy qua 3 thôn Hiệp Nhơn, Hiệp Phước, Hiệp Lễ là mương chính để tiêu thoát nước là chưa. Trong khi, các nguồn nước sau cơn mưa là tập trung chảy ra tuyến kênh này và hàng năm ở đây cỏ dại mọc lên làm ảnh hưởng đến dòng chảy và gây ngập úng vườn tược cho nhân dân.

hn-.jpg
Hồ Tân Lập. Ảnh: N.Lân

Thời điểm này, mùa khô đã bắt đầu nên Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận – Chi nhánh Hàm Thuận Nam đã lên kế hoạch nạo vét tuyến kênh trên. Thêm sự hoàn chỉnh của tuyến kênh này cùng với 27 tuyến kênh mương khác trên địa bàn xã và từ các ao, hồ trong dân đã nâng diện tích tưới toàn xã lên trên 80%. Nếu ráp vào các tiêu chuẩn của tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai thuộc bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 318/CP thì xã Tân Thuận đã đạt chuẩn. Nhờ vậy, toàn huyện có 9/12 xã đạt chuẩn tiêu chí số 3. Trong khi đó, xã Tân Lập, nơi có 2 hồ thủy lợi Tà Mon và hồ Tân Lập nhưng lại chưa hoàn chỉnh tiểu tiêu chí về kênh mương nên phải chuyển sang thực hiện trong năm 2023. Còn 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là Hàm Cần, Mỹ Thạnh thì còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Tuy nhiên, trong triển khai Kế hoạch số 4884 ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2021-2025, Hàm Thuận Nam cũng đã chú ý đến 2 xã đặc biệt này trong phân khai xây dựng các tuyến kênh mương để dẫn nước về các vùng đồng, bảo đảm đạt chuẩn tiêu chí số 3 trong thời gian sớm nhất.

Như 1 cuộc tiếp sức

Dù có nhiều công trình thủy lợi nhưng phần lớn có quy mô chưa lớn, lại được phân bổ vị trí để phát huy sự hưởng lợi chưa đồng đều, nhất là những xã ở phía biển nên năm nào, Hàm Thuận Nam cũng canh cánh nỗi lo hạn cục bộ vào cao điểm mùa khô. Sống ở vùng khó về nước như thế nên từ trong suy nghĩ lẫn tuyên truyền của chính quyền, người dân ở đây đã hình thành thói quen tiết kiệm nước, thể hiện qua đào ao lớn trữ nước mùa mưa, hình thành các trang trại sử dụng giống mới, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phổ biến… Đó cũng là những yêu cầu mà trong Kế hoạch 4884 của UBND tỉnh đặt ra nhằm lựa chọn nơi đầu tư phù hợp, xây dựng công trình cấp thiết trong bối cảnh nguồn vốn không nhiều và phải phát huy hiệu quả nổi bật. Vì vậy, so với các huyện, thị khác trong phân khai tổng nguồn vốn đầu tư hơn 85,7 tỷ đồng trong kế hoạch trên, Hàm Thuận Nam nằm trong nhóm huyện được phân khai vốn nhiều. Cụ thể, trong giai đoạn 2021- 2025, huyện có hơn 13,3 tỷ đồng đầu tư thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, trong đó ngân sách tỉnh chi hơn 9 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 4 tỷ đồng.

tu-n.-lan-.jpg
Tưới thanh long bằng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Ảnh: N.Lân

Đây như một cuộc tiếp sức cho vùng hạn Hàm Thuận Nam không còn cảnh hạn cục bộ, khi nước được thấm vào đất và trữ thêm trên ao hồ lẫn kênh mương. Đồng thời, cũng cho chính các xã đang hành trình xây dựng nông thôn mới và cả nông thôn mới nâng cao. Qua đó, cho thấy chính nước vẫn đảm nhiệm vai trò đầu tiên trong câu: “Nhất nước, nhì phân…” trong sản xuất nông nghiệp, như một trụ đỡ cho an sinh xã hội. Như năm 2022, trước nhiều biến cố từ thị trường, giá cả phân thuốc tăng nhưng nhờ góp phần từ nước, và cũng từ chính sự sử dụng nước hiệu quả trong dân, ngành nông nghiệp Hàm Thuận Nam vẫn phát triển ổn định. Không chỉ thể hiện ở diện tích thanh long không giảm nhiều, vẫn giữ gần 14.500 ha nên đạt sản lượng năm 2022 được 350.000 tấn; dân tiếp tục sản xuất theo chuẩn VietGAP qua tái cấp gần 5.000 ha, cấp mới hơn 300 ha, mà còn thể hiện qua sản xuất, nuôi trồng nhiều loại cây con khác. Như lúa, bắp, muối, tôm và chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng trưởng…

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngày Dân số Việt Nam (26/12): Đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và phát triển
Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới là kim chỉ nam cho công tác dân số, đưa chính sách dân số sang một trang phát triển mới. Tại Bình Thuận, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21 đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; quy mô dân số toàn tỉnh ổn định, mức sinh giảm, chất lượng dân số ngày càng nâng cao…
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông thôn mới Hàm Thuận Nam: Vẫn là nhất nước