Theo dõi trên

Nửa cuối năm 2020: Dồn sức phục hồi kinh tế

04/06/2020, 09:12

BT- Trong thời gian còn lại của năm 2020, Bình Thuận tập trung triển khai các giải pháp, dồn sức phục hồi kinh tế. 

                
Ảnh: Đ.Hòa.

Bức tranh kém sắc

Thực tế cho thấy, tình hình dịch Covid - 19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực sản xuất công nghiệp địa phương. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến - chế tạo đã gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất lẫn thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm. Nhất là đối với các ngành hàng giày da, may mặc, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ, nông sản, thủy sản... Thế nên dự báo nửa đầu năm nay, trong 16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu của Bình Thuận có đến 10 sản phẩm giảm so cùng kỳ năm ngoái.

Đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu trong nhiều tháng qua, dẫn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận cũng không đạt kết quả như mong đợi. Dự ước trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa chỉ đem về cho địa phương khoảng 207,7 triệu USD, giảm 3,1% so cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt về du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đã gánh chịu thiệt hại khá nặng do phải tạm dừng đón khách để chung tay phòng, chống dịch bệnh. Tính chung nửa đầu năm 2020, toàn tỉnh đón khoảng 1.546.000 lượt khách, giảm 47,6% so cùng kỳ và doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.652 tỷ đồng, giảm hơn 37%... Cùng với đại dịch, thời tiết nắng hạn kéo dài gây thêm khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự ước diện tích gieo trồng lúa khả năng chỉ đạt 22.209 ha (giảm xấp xỉ 40% so cùng kỳ năm ngoái), riêng các vùng chuyên canh thanh long có nhiều vườn teo tóp cành do thiếu nước tưới vì nắng hạn.

Bức tranh kinh tế kém sắc nên tổng thu ngân sách nhà nước dự ước nửa đầu năm nay cũng giảm hơn 40% so cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 3.080 tỷ đồng, giảm 35,1%. Còn lại thu từ dầu thô khoảng 563 tỷ đồng, giảm 42,2% và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 560 tỷ đồng, giảm 58,6% so cùng kỳ năm trước...

Dồn sức phục hồi

Dù khó khăn, song kinh tế Bình Thuận trong nửa đầu năm 2020 vẫn có những tín hiệu tích cực. Đó là tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước tăng 5,01% so với cùng kỳ, con số này dự kiến cao hơn mức tăng chung của cả nước. Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất và phân phối điện của Bình Thuận vẫn duy trì ở mức tăng cao với khoảng 17,5%...

Lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp ngành khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh. Nhất là từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương phải nêu cao tinh thần chủ động, quyết tâm thực hiện thắng lợi kịch bản tăng trưởng phục hồi kinh tế Bình Thuận năm 2020.

Trong thời gian tới, tỉnh cũng xúc tiến giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ phấn đấu đạt 100% nguồn vốn, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tích cực kêu gọi nhà đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp. Mặt khác, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch quy mô lớn, sớm đưa vào hoạt động kinh doanh trên địa bàn Bình Thuận… Với ngành du lịch thì tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, trước mắt ưu tiên khai thác thị trường khách nội địa, tiến tới đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Thêm nữa là quan tâm triển khai liên kết, hợp tác, xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường mới nhằm tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu sản phẩm lợi thế, đặc trưng của tỉnh.

Tới đây, Bình Thuận cũng huy động nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn tránh tình trạng thiếu nước sinh hoạt hoặc phát sinh dịch bệnh. Trong sản xuất nông nghiệp sẽ cân đối nguồn nước cho vụ hè thu, chú trọng tái đàn gia súc, gia cầm ngay trong quý III/2020. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện thời tiết hạn hán, tổ chức khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản xa bờ để bù đắp sự sụt giảm tăng trưởng trong lĩnh vực trồng trọt… Qua đó phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020. 

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nửa cuối năm 2020: Dồn sức phục hồi kinh tế