Sau cơn mưa đầu mùa, từng cơn gió nam nhẹ đưa không khí mát từ biển vào, ông Trung sửa tư thế, ngồi thẳng lưng tiếp tục câu chuyện trong căn nhà có đến trăm năm tuổi với mái ngói vảy cá sậm xám thâm trầm: “Dòng họ tôi theo chân nhà Nguyễn vào vùng đất này. Nhà tôi, nhà bà Tâm cũng làm nước mắm và nhà cụ nghè Trương Gia Mô liền nhau, có mối quan hệ mật thiết. Cụ tổ nhà tôi tên Nguyễn Phước Đạo (dòng dõi vua Gia Long) là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nghề sản xuất và kinh doanh nước mắm tại xứ Duồng này”.
Theo ông Trung, nghề nước mắm ở Duồng từng rất thịnh vượng. Nước mắm nhà ông mang thương hiệu Song Hương, ý nghĩa là 2 mùi hương: mùi cá cơm và mùi cá nục. Ở Sài Gòn, nhà ông có cả chành nước mắm. Ngoài ra nước mắm Song Hương còn đem đi bán khắp “lục tỉnh Nam kỳ” và ra cả các tỉnh miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng cho đến tận Huế.
Không chỉ bán nước mắm mà người Duồng còn chuyên chở cả hàng chục tấn cá chượp (cá ướp với muối) ra miền Trung bán cho người mua tự làm mắm theo phong vị địa phương. Ông Nguyễn Hoàng Thái Vinh, 75 tuổi, kể về việc buôn bán của ông nội mình. “Cách buôn bán ngày ấy hay lắm. Cá chượp đổ sá xuống khoang thuyền, ra tới nơi, người mua dùng cây thước thọc thẳng xuống tận đáy. Lớp cá mặt ngang vạch nào trên thước, họ tính ra được trọng lượng tương ứng chứ không có cân. Khi rút lên, từ mùi và màu của xác cá dính vào thước, họ biết được độ ngon của cá, từ đó đưa ra giá mua”, ông Vinh chứng minh thêm những gì thuộc về ký ức khó phai về nghề buôn bán của ông nội ông.
Mang nước mắm đi bán, những thương gia mua sản vật ở những nơi đó trở về Duồng rồi tiếp tục giao thương cho các nhà bán lẻ trong vùng. “Đến Gò Công thì mua tủ thờ Gò Công; đến An Giang thì mua lãnh Mỹ A của xứ lụa Tân Châu (An Giang)”, ông Tạ Xuân Hạ, một người cháu của nhà hàm hộ Nguyễn Thị Tâm nhớ lại lời truyền từ ông bà.
“Ra Trung cũng mua nhiều thứ về bán. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh và độ mềm, mát của những tấm lụa Hội An (Quảng Nam) mà ông nội tôi mang về”, ông Thái Vinh tiếp lời.
Từng là Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Bình Thuận, ông Nguyễn Hoàng Thái Vinh cho biết, nửa đầu thế kỷ 20, nghề sản xuất, kinh doanh nước mắm Duồng phát triển rực rỡ, có đến hơn 10 hàm hộ - 10 thương hiệu vang danh khắp cả nước. Ngoài nhà ông Trung, ông Vinh còn có các hàm hộ Lê Dân, Nguyễn Lịnh, Trần Ca, Đào Cối, Nguyễn Thị Tâm, Trần Văn Phòng, Bùi Giàu... Mỗi hàm hộ xuất nước mắm chứa trong các tĩn chở đi bán bằng hàng chục chiếc ghe bầu chạy bằng sức người và sức gió (buồm). “Khi tôi lên mười, tức là những năm 1957 – 1958, sông Hà Thủy vẫn còn rất rộng, ghe thuyền tấp nập 2 bên bến. Ghe khai thác và ghe vận chuyển hàng hóa vào ra liên tục. Đó thật sự là một bến cảng sầm uất”, ông Thái Vinh nhớ lại.
Ký ức ngày ấy của ông Vinh không phải là trí tưởng tượng tuổi thơ nhuốm màu cổ tích mà hoàn toàn có cơ sở khi các tài liệu khoa học địa chí, cả tập sách “Lịch sử Tuy Phong” đều ghi nhận “Duồng từng là nơi ghe thuyền từ các tỉnh thường lui tới buôn bán tấp nập, sầm uất”.
Có thể nhìn nhận cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với nước mắm, các sản phẩm từ cá, Duồng hình thành và phát triển “con đường tơ lụa” trên biển trải dài đất nước. Không chỉ làm giàu cho gia đình dòng họ, các hàm hộ còn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương. Nhiều gia đình có người hoạt động cách mạng, tập kết ra Bắc. “Ông tổ nước mắm nhà tôi là Bùi Giàu từng được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong vinh danh vì có tấm lòng yêu thương và chăm lo cho cộng đồng. Cha tôi – Bùi Thu Thủy được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất”, ông Bùi Tú Trí không giấu giếm niềm tự hào.
Chính “con đường tơ lụa” và uy thế của cảng Duồng (xã Chí Công ngày nay) là cơ sở để năm 1909, thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) chọn là điểm dừng chân an toàn trên hành trình vào Trường Dục Thanh Phan Thiết. Cảng Duồng còn là nơi những nhà hoạt động cách mạng khi còn bí mật như Lê Đức Thọ, Phạm Ngọc Thạch, Dương Quốc Chính đến ẩn náu vào năm 1948 (theo Lịch sử Tuy Phong).
“Khi Bác Hồ đến Duồng, ông Trương Gia Mô đưa Bác lên nghỉ ẩn tại chùa Phước An. Ngôi chùa này do cụ tổ nhà tôi là Nguyễn Phước Đạo thành lập và tu hành vào những năm cuối đời. Hiện chùa vẫn còn mộ cụ tổ, hàng ngày luôn được người dân kính cẩn hương khói”, ông Nguyễn Đình Trung vốn là một cựu giáo chức chia sẻ.
Ngày nay, khi nhìn lại, thời gian tính ra đến vài chục vạn ngày bởi đã trải qua nhiều thế hệ. Bao “lớp sóng” lịch sử, địa lý, kinh tế tác động làm cho nghề sản xuất, kinh doanh nước mắm ở Duồng ít nhiều phôi phai. Có hộ chuyển nghề; có hộ sản xuất như một cách níu giữ “hồn xưa”; có hộ nhen nhóm và từng bước phục hồi giá trị thương hiệu. “Tuy nhiên, dù có thế nào, gia đình tôi vẫn còn giữ 2 tĩn nước mắm lú được chôn từ năm 1974 đến giờ mà chưa hề khui nắp. Nó như một vật chứng bảo tàng về các giá trị của dòng họ nhà tôi để nhắc nhở con cháu tinh thần sống của những hàm hộ nước mắm: tử tế, yêu nước, thương nòi…”, lời ông Bùi Tú Trí tâm sự trong chính ngôi biệt thự của gia đình được xây dựng năm 1927, một biệt thự có lối kiến trúc Á – Âu, đẹp không thua bất cứ một ngôi nhà đẹp nhất nước Việt nào cùng thời; đó cũng là dấu tích thành quả về nghề nước mắm Duồng và con đường tơ lụa trên biển.