Theo dõi trên

Nước ngọt, nước mặn

18/03/2016, 10:02

BT- 1. Tháng 3, miền Nam nắng nóng. Sài Gòn nắng nóng. Bóng trưa thẳng đứng, hừng hực như bốc lửa. Xa xa, đâu đó cảnh báo cháy rừng lên mức nguy hiểm. Nhiều nơi kêu cứu vì khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng bất kể giếng đào, giếng khoan đều khô khan, trống rỗng. Nước ngọt thiếu, đâm ra thừa nước... mặn. Các tỉnh miền Tây sông nước, kênh rạch chằng chịt lại bắt đầu báo động nạn xâm nhập mặn của nước biển vào trong ruộng đồng, kênh rạch. Cây trái và con người bắt đầu cảnh lao đao, khốn đốn. Cũng là nước, nhưng nước mặn... thì chẳng trồng trọt, tưới tắm, ăn uống gì được. Cái khổ đã thấy lù lù ngay trước mắt.

2. Nắng nóng. Con người lại thích tìm ra với... biển, với những bãi cát dài, trắng phẳng phiu, nghiêng nghiêng những hàng dừa, những đồi dương thơ mộng, để nghe gió biển mơn man trên tóc, trên da thịt. Thích thú lặn hụp, bơi lội trong dòng nước biển xanh đến nao lòng. Những bãi biển đẹp gần với thành phố như Cần Giờ, Vũng Tàu, xa hơn một chút có Phan Thiết, Mũi Né, La Gi, hoặc Ninh Chữ, Nha Trang. Có khi ngược xuống Nam  như Kiên Giang, Phú Quốc... trong những ngày nghỉ lễ đều đông nghẹt người từ khắp nơi đổ về, hưởng cơn gió mát của biển và vị mặn của nước biển.

Đứng trước biển, con người bỗng cảm thấy mình nhỏ bé trước trời biển bao la, mênh mông và dường như vô tận trước tầm nhìn của con người. Nước biển nhiều... không kể xiết nhưng sao từ ngàn xưa đến nay, không ai nghĩ hay mơ ước lấy nước biển mặn thay thế cho nguồn nước ngọt đang dần cạn kiệt để phục vụ cho đời sống con người?

Cái quy trình của trời đất. Trăm sông đổ về biển cả, nước bốc hơi lên trời thành mây, gặp lạnh hóa mưa rơi xuống đất nuôi dưỡng vạn vật, cỏ cây, thấm vào lòng đất thành mạch nước ngầm, tạo ra sông suối... ai cũng đều học từ nhỏ. Và người ta áp dụng cái quy trình ấy để biến nước biển mặn thành nước ngọt, song nó chỉ tồn tại ở trong các phòng thí nghiệm hoặc những nơi gian nan thiếu nguồn nước ngọt. Trong chiến tranh ác liệt, đặc công rừng Sác ở Cần Giờ cũng từng áp dụng công thức này để tạo ra nước ngọt cho đơn vị. Nhưng hầu hết, con người đều vô tư sử dụng đến nguồn nước ngọt có sẵn từ thiên nhiên như sông, suối, ao, hồ, giếng... mà chưa lo, hoặc chưa lo đến lúc nguồn nước ngọt bị cạn kiệt.

Mà cũng thật lạ, nước mặn, hay nước biển bao la, chiếm hơn 2/3 diện tích của trái đất, nhưng lại không thể sử dụng vô tư như nước ngọt. Ngay chỉ việc đi tắm biển, nếu không tắm lại bằng nước ngọt, con người bình thường cũng không thể nào chịu nổi vì rít rắm và ngứa ngáy.

 3. Sông suối, ao hồ đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm dòng nước ngọt bởi những “vô tư” của con người. Những tham vọng, quyền lực ngăn sông, đắp đập, mong có thật nhiều năng lượng thủy điện, vấn nạn xả thải từ các nhà máy công nghiệp ở khắp nơi, rồi rác thải từ sinh hoạt của con người, nạn chặt phá rừng gây nên những hệ lụy to lớn cho dòng nước ngọt. Các mạch ngầm bị tận dụng, thêm vào đó là hiện tượng El-ni-no đã làm nguồn nước ngọt trong thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, khó bù đắp. Con người đang đứng trước những thách thức to lớn từ thiên nhiên. Viễn cảnh một ngày nước ngọt khan hiếm, con người đối diện trực tiếp với nước mặn. Chắc có lẽ khi ấy, chỉ có hóa thân thành cây... mắm, cây đước mới có thể sống chung và chịu đựng được với những thứ nước... lợ và nước mặn ở chung quanh mình!

 TRẦN HOÀNG VY



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước ngọt, nước mặn