Theo dõi trên

Ở một nơi với bến bờ văn nghệ

13/01/2023, 06:06

Đến Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ II - nhiệm kỳ 1993 -1988, nhà văn Phan Minh Đạo làm chủ tịch hội mới đặt ra cơ cấu tổ chức thành lập các Chi hội VHNT cấp huyện, thị …

Cũng là một sáng kiến tốt, tạo điều kiện phát huy khả năng sáng tạo của hội viên các địa phương trong tỉnh. Các chi hội lần lượt ra đời như Hàm Tân/ La Gi, Đức Linh, Bắc Bình, Tuy Phong… Khí thế mới trong hoạt động của các chi hội này có sự chuyển biến sôi nổi, bởi được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền coi đây như một tổ chức quần chúng tích cực trong hoạt động văn hóa văn nghệ địa phương. Nhưng với hệ thống tổ chức của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam chỉ có 2 cấp Trung ương và tỉnh, thành phố… Đồng nghĩa với cấp cơ sở, nguồn kinh phí cho hoạt động chỉ dựa vào sự quan tâm, vận dụng của chính quyền huyện, thị qua hình thức “hỗ trợ” cần thiết mà thôi. Càng về sau công tác quản lý ngân sách nhà nước chặt chẽ hơn thì khó mà có sự “vận dụng” nào cho thỏa tình hợp lý. Những đêm Nguyên tiêu, kết hợp giới thiệu tác giả - tác phẩm, đi thực tế sáng tác, xuất bản tuyển tập… Chi hội cũng cạn nguồn.

z4029522079404_53336a0f364f1782081012d71216979a.jpg

Trong khi đó, sự tồn tại của mỗi Chi hội VHNT địa phương trên dưới khoảng 20 hội viên do hội VHNT tỉnh kết nạp nhưng trên thực tế chỉ dễ thấy nhất qua những ấn phẩm với hình thức Tuyển tập thơ văn, ảnh nghệ thuật, ca khúc, mỹ thuật… Theo lệ, đến hẹn lại lên là Tuyển tập chào mừng xuân mới. Gần đây chỉ có Chi hội Tuy Phong, Bắc Bình còn duy trì được và chắc chắn phải “hì hục” với khó khăn về kinh phí cho mỗi số không dưới 30 triệu đồng, cũng là cách thể hiện về nguồn lực sáng tạo trong hoạt động Chi hội.

Tôi rất ấn tượng với Chi hội VHNT huyện Tuy Phong về khả năng duy trì các ấn phẩm văn học của cá nhân và tập thể suốt chiều dài 20 năm, kể từ năm thành lập (2001). Đến nay hầu như hội viên (thơ) Chi hội đều có tác phẩm in riêng. Văn xuôi có tác giả mỗi 2 năm/tập truyện ngắn (Hồ Việt Khuê), có tác giả 10 năm đã xuất bản 3 tập tiểu thuyết (Nguyễn Phương), anh Kinh Duy Trịnh với khả năng chuyên ngành đã in 2 tập truyện cổ Chăm hay anh Trương Trọng Quang trước khi lìa đời còn kịp để lại một tuyển tập Truyện ngắn…Biển trời Tuy Phong mở lòng với một không gian đầy cảm xúc. Các danh thắng, di tích cổ đã tác động đến những góc máy nhiếp ảnh để trở thành tác phẩm nghệ thuật đạt giải trong nước và xa đến nước ngoài như Lê Nam, Huỳnh Trọng Lan, Lê Duy Hoàng, Phạm Ngọc Hoàng, Bùi Duy Hòa, Phạm Hoài Thương, Lê Minh Ngọc… Qua đó mới thấy ở đây có một lực lượng sáng tạo văn học - nghệ thuật thật sự năng động và tài hoa. Cái đáng quý là biết đem niềm đam mê nghệ thuật của mình thông qua tác phẩm gắn với ý thức, đề cao giá trị truyền thống, tính nhân văn của vùng đất quê hương.

Quả vậy, Tuy Phong hàng trăm năm luôn là biên ải về thiên nhiên, thời cuộc trong chặng đường lịch sử nhiều biến động của đất nước. Về địa giới lúc thì thuộc phủ Ninh Thuận, khi thì một phần tách nhập cho Hòa Đa thổ huyện... Nhưng miền nắng gió, hoang mạc Tuy Phong lại là đất hội tụ một nền văn hóa các dân tộc, vùng miền rất đặc thù làm nên sự kỳ diệu và bản sắc. Người ta thường nói đất là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người và y rằng với những trái tim nghệ sĩ dễ dàng bắt nhịp, cảm nhận trước hết. Đọc lại Tuyển tập thơ-văn Biển Cát của Chi hội Tuy Phong (2002) ở những ngày đầu thành lập, thật sự tôi không hết ngạc nhiên với sự góp mặt 15 tác giả thơ và 3 tác giả ảnh nghệ thuật đã phác họa một diện mạo văn chương, khởi đầu từ một tổ chức đặc thù, chính danh Chi hội của Hội VHNT tỉnh Bình Thuận. Tưởng chừng mới đây, mà nay trong số tác giả ngày đó như Thùy Linh, Đài Nguyên Vu, Tô Duy Thạch, Huỳnh Hữu Võ, Thanh Vũ… đã xa đời. Họ đã gieo niềm cảm xúc với nơi chốn này như thế nào: “Tôi về Phan Rí bơi thuyền nhỏ/ Qua dòng sông Lũy lặng lờ trôi/ Bèo mây có lúc tan rồi hợp/ Tôi lại về đây lúc nửa đời”…(HHV). Và dòng cảm xúc đó nối dài đến tuyển tập Văn nghệ Tuy Phong do Hội VHNT Bình Thuận xuất bản năm 2008 cũng rất chất lượng. Tiếp đó là từ tuyển tập Xuân 2011 trở đi càng quy mô và chủ đề phong phú hơn. Tác giả địa phương cũng như tác giả cộng tác bao giờ cũng có sự biểu cảm về nơi mình đang sống hay đã đến với một cảm thức xúc động, chân tình. Lãng mạn như Dương Hoàng Hữu: “Sông Lũy có những người đàn bà tắm trần/ Bềnh bồng xuân muộn/ Bầy cá chết đuối nhiều lần/ Nhàu nát giấc mơ trăng”… và Tô Duy Thạch thì: “Trái vàng em mơ hái/ Gành Son còn lở mãi/ Dáng đỏ hồng phôi pha”. Dù không nhắc đến một địa danh nào, nhưng Nguyễn Hồ Nam trải lòng về người Mẹ quê hương: “Đường đời con đi Mẹ dìu mỗi bước/ Tâm hồn con Mẹ ru hát từng bài/ Bát ngát hương đồng dịu dàng gió nội”…

Khoảng từ năm 2017, Hội VHNT tỉnh mới vận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ hội viên có tác phẩm tốt, được xuất bản và bổ sung hỗ trợ cho những ấn phẩm của tập thể Chi hội mỗi tuyển tập 12 triệu đồng, nhưng thời gian chờ nguồn phân bổ khá nhiêu khê. Tất nhiên không thể nào đủ cho một ấn phẩm đòi hỏi nhiều bài viết, chưa kể những công đoạn phải làm theo quy trình một xuất bản phẩm…

Những năm sau này, Tuyển tập xuân Văn nghệ Tuy Phong đều đặn “bám trụ” với nội dung khá phong phú: Những sự kiện lớn về phát triển kinh tế-xã hội của huyện, biên khảo nghiên cứu về di sản văn hóa địa phương xưa nay, những sáng tác văn học với những cây bút quen thuộc. Đặc biệt mảng văn xuôi, nghiên cứu thường làm chủ lực như Hồ Việt Khuê, Võ Minh Chiến, Nguyễn Phương, Kinh Duy Trịnh, Nguyễn Hồ Nam…Tuyển tập văn nghệ Tuy Phong đã vượt qua “định kiến” văn nghệ đồng quê, giải oan tư tưởng “bụt chùa nhà không thiêng”… và được người đọc tin cậy. Anh em chủ biên biết lôi kéo các cây bút uy tín từ xa nhưng nặng tình với Tuy Phong như Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Liên Châu, Thái Sơn Ngọc, Đình Hy, Đông Thùy, Lê Phượng, Đặng Ngọc Hùng… Vì thế mới duy trì được diện mạo Tuyển tập đậm chất văn học, chỉn chu về hình thức và nội dung có cái để đọc.

Đánh giá về thực lực sáng tạo của một Chi hội, số hội viên chuyên ngành văn học vẫn là đa số. Cho nên lực lượng chủ đạo này mang tính quyết định đến chất lượng hoạt động của Chi hội, mà Chi hội là tổ chức cơ sở của Hội VHNT tỉnh.

Tuy nhiên để có một công trình tập thể của Chi hội, một Tuyển tập Xuân hàng năm, một Tuyển tập văn học nhiều tác giả thì tiền cũng là một vấn đề mà nhiều Chi hội bế tắc. Năm 2008, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và giải pháp, có đề cập đến tinh thần “xã hội hóa” trong quá trình thực hiện. Do đó với cấp cơ sở trong hệ thống Hội, nếu biết vận dụng vẫn có thể làm được với sự tương tác của Chi hội với địa phương. Cách làm Tuyển tập của Chi hội Tuy Phong với tiêu chí nội dung đảm bảo yêu cầu nghệ thuật, khai thác giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất và phản ánh những thành tựu về phát triển địa phương... Trong đó lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật cũng trở thành sứ giả chuyển tải những hình ảnh quê nhà lan tỏa đến các nơi. Hàng năm Tuyển tập Xuân được huyện coi đây là một món quà “văn hóa” có ý nghĩa để gởi đến cán bộ, các đối tượng chính sách và nhân dân trong huyện cũng như những người con xa quê. Đó cũng là sự ghi nhận và động viên của lãnh đạo địa phương. Trong câu chuyện, tôi tìm hiểu bí quyết việc có tiền để in ấn, biên soạn, giấy phép xuất bản, đi lại... Nhà văn Hồ Việt Khuê bộc bạch, một vài hội viên rất “máu” văn nghệ lấy tiền vợ nhà cho mượn… dù chưa biết tiền phát hành có đủ hoàn trả được không. Và nữa, các anh Điển, Trực, Sơn... lãnh đạo Ủy ban huyện các thời kỳ cũng nhiều lần ủng hộ cho Chi hội bằng tiền túi để trang trải, thực hiện. Không những thế mà còn gửi gắm với bạn bè là những nhà hảo tâm cảm tình chuyện văn chương để ít nhiều chia sẻ…

Nghĩ lại đó là cái tình và sự cảm thấu của người biết quý trọng anh em văn nghệ sĩ quê nhà, nhọc nhằn với trang viết mà chẳng màng đến đồng nhuận bút. Cơ chế như vậy rồi thì bắng cách khác, anh em văn nghệ sĩ vẫn giữ lửa nuôi dưỡng niềm đam mê và chắc chắn còn thấy bến bờ văn nghệ bằng tác phẩm có giá trị nghệ thuật cũng là có trách nhiệm với quê hương.

PHAN CHÍNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Từ chái bếp nhỏ, tết về
Năm nào cũng vậy, tết bắt đầu từ chái bếp nhỏ của má. Từ 23 tháng chạp, sau khi cúng ông Táo xong, má bắt đầu “đánh vật” chuẩn bị tết nhất.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ở một nơi với bến bờ văn nghệ