Theo dõi trên

Ở vùng rau VietGAP Phú Long

17/02/2025, 05:18

Ông Trần Văn Cảnh – 1 trong số gần 50 hộ dân tại thị trấn Phú Long tham gia mô hình sản xuất rau hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP cho biết, gia đình có 4 sào, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cải tạo nền đất bằng phân bón hữu cơ vi sinh, nên hiệu quả sản xuất cao hơn so với thời gian trước. Đáng mừng nhất là chất lượng rau được đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, được thị trường ưa chuộng hơn.

Sản xuất rau an toàn là xu hướng tất yếu

Rau là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến dư lượng, tiềm ẩn nhiều yếu tố độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nông dân buộc phải tiếp cận với cách thức canh tác mới, hướng tới sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường.

rau-phu-long.jpg
Thu hoạch rau màu tại Phú Long.

Cùng với một số vùng chuyên canh rau màu trong tỉnh, thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc) từ lâu đã được biết đến là một thị trấn nông nghiệp, với các loại cây chủ lực như thanh long, lúa và rau màu. Thị trấn này hiện có diện tích rau màu trên 40 ha, tập trung ở các khu phố Phú Cường, Phú Trường, Phú An. Đây là những điểm chuyên cung cấp nhiều loại rau phục vụ trên địa bàn và các vùng lân cận trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khó khăn chung ở vùng rau Phú Long là diện tích sản xuất rau trong nông hộ còn manh mún, nhỏ lẻ, rải rác. Nhiều hộ nông dân còn bỡ ngỡ trong việc ghi chép nhật ký điện tử, giá cả có nhiều thời điểm không ổn định.

f17068ce5fa3e1fdb8b2.jpg
Nông dân tham gia mô hình được cán bộ khuyến nông (giữa) hướng dẫn ghi nhật ký điện tử.

Những tháng cuối năm 2024, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã phối hợp với Hội Nông dân và chính quyền địa phương thực hiện mô hình sản xuất rau hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP tại thị trấn Phú Long, với tổng diện tích 15 ha/47 hộ. Mục đích nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới sản xuất rau hướng hữu cơ bằng việc ứng dụng phân, thuốc sinh học trong sản xuất rau. Qua đó, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thân thiện với con người, môi trường…

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, các hộ tham gia mô hình được tập huấn biện pháp kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh… Các hộ còn áp dụng quy trình sản xuất rau VietGAP như xây dựng nơi để kho phân, kho thuốc, dụng cụ bảo hộ lao động. Đồng thời, gieo trồng các loại rau ăn lá, rau gia vị ngoài trời, dùng vôi để xử lý đất trước khi trồng. Quá trình chăm sóc, bón phân không dùng thuốc cỏ mà chỉ dùng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, sinh học để bón lót. Song song dùng thuốc sinh học để phòng ngừa sâu bệnh hại, tưới nước định kỳ 3 lần/ngày; tuân thủ thời gian cách ly 7-10 ngày trước khi thu hoạch sản phẩm.

c2b46f9a2fe991b7c8f8.jpg
Diện tích trồng hoa màu ở Phú Long.

Phát huy hiệu quả

Theo đánh giá của ông Ngô Thái Sơn – lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, qua khoảng 4 tháng thực hiện, cho thấy rau mô hình có sức đề kháng tốt, năng suất có sự chênh lệch và nâng độ pH đất, hạn chế sâu, bệnh gây hại. Mặt khác, hộ dân tuân thủ quy trình sản xuất rau VietGAP, dùng phân hữu cơ vi sinh, sinh học để bón lót; giảm lượng phân hóa học để bón thúc nên các loại rau sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh giảm, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng rau được cải thiện. Năng suất rau ăn lá, rau gia vị bình quân tăng 12 - 15% và lợi nhuận bình quân tăng 40%. Hơn hết, thông qua mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp an toàn của nông dân.

bd92843bc0487e162759.jpg
Nông dân chăm sóc rau màu

Kết quả cụ thể, so với ngưỡng giới hạn cho phép, các mẫu rau được lấy (cải thìa, hành lá) qua phân tích không phát hiện dư lượng kim loại nặng, các vi sinh vật E.coli, Salmonella, dư lượng thuốc trừ sâu các gốc: Clor hữu cơ, Lân hữu cơ, Cúc, Carbamate. Cuối tháng 12/2024, Tổ chức Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đã tiến hành thẩm định đánh giá chứng nhận VietGAP cho Tổ sản xuất rau an toàn Phú Long.

Hiện nay, khi được chứng nhận VietGAP, các sản phẩm rau VietGAP của tổ hợp tác được tích hợp hệ thống truy xuất thông tin điện tử (tem dán mã QRcode). Qua đó, giúp người tiêu dùng truy xuất và phân phối thông tin chính xác trước khi mua sản phẩm dùng trong bữa ăn hàng ngày.

Từ hiệu quả mô hình, Trung tâm Khuyến nông đề xuất địa phương tiếp tục duy trì thực hiện tốt quy trình sản xuất rau VietGAP các loại hàng năm. Song song, chú trọng bón lót phân hữu cơ vi sinh, từng bước mở rộng thị trường cung ứng. Mặt khác, ký kết hợp đồng cho nhiều đối tác có nhu cầu đặt hàng, giữ vững thương hiệu được chứng nhận, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Ngoài ra, liên kết với các tổ hợp tác khác tại các vùng lân cận trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu rau VietGAP cho thị trường trong, ngoài tỉnh.

K. HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Nông dân "bén duyên" với cây rau ngò gai
4 năm qua nhiều nhà vườn thanh long vẫn còn lao đao lên bờ xuống ruộng với giá thanh long nhảy múa hàng ngày, nhưng khoảng 10 hộ nông dân xóm Ruộng Mới thôn 5, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc rất phấn khởi khi quyết định phá bỏ thanh long, chuyển sang cây trồng rau xanh ngò gai trong nhà lưới với mức thu nhập ổn định trên dưới 140 triệu đồng/năm/sào đất màu.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ở vùng rau VietGAP Phú Long