Điều đó đã khẳng định, các cấp chính quyền, địa phương của tỉnh đã cố gắng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nhà. Trong giai đoạn từ năm 2016 -2019, thứ bậc PCI của Bình Thuận dù có thay đổi, song vẫn nằm trong nhóm xếp hạng khá của cả nước và đáng ghi nhận hơn là Chỉ số PCI của tỉnh liên tục tăng, cụ thể là từ 58,2 điểm vào năm 2016 lên 65,33 điểm vào năm 2019…
Kết quả đó một lần nữa đã phản ánh được chất lượng điều hành kinh tế, sự năng động, sáng tạo và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính rất quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, một động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận.
Tuy kết quả đã đạt được khá khả quan nhưngvẫn còn một số tồn tại hạn chế thể hiện ở việc còn có 3 tiêu chí vừa giảm điểm, vừa giảm bậc. Điều này cho thấy cần phải tiếp tục nỗ lực khắc phục, cải thiện một cách quyết liệt trong thời gian tới nhằm phấn đấu tăng điểm, tăng bậc đưa Bình Thuận nằm trong top 20 của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các ngành, các cấp trong việc thực hiện chủ trương với mục tiêu xuyên suốt là “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành nhằm mục đích cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vì sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế - xã hội địa phương.
Triển khai kịp thời các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là các chỉ số vừa giảm điểm, giảm bậc và thấp hơn điểm trung vị cả nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tập trung cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần vừa giảm điểm, giảm bậc có ảnh hưởng trực tiếp đến tổng điểm số PCI như: Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, tăng số lượng doanh nghiệp đi vào hoạt động, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, đồng bộ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của từng ngành, từng địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ, nội dung theo kế hoạch của UBND tỉnh.Coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, từ đó bàn biện pháp triển khai thực hiện tốt để cải thiện tốt môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới.
THANH QUANG