Theo dõi trên

Phan Thiết xưa và nay: Ngư Ông - con đường nghề nghiệp

21/12/2018, 10:53

 BT- Phần lớn những con đường ở Phan Thiết mang tên danh nhân lịch sử, văn hóa, khoa học… Song cũng có con đường mà tên của nó gắn với  nghề nghiệp của người dân Phan Thiết một thời, chẳng hạn như đường Ngư Ông.

Thời Pháp thuộc, đường mang tên là Quai de Bellevue. Trước ngày giải phóng,  đường mang tên Bến Ngư Ông, từ bến cá Cồn Chà thuộc phường Đức Thắng xuống đến phường Lạc Đạo. Có lẽ, do bà con ngụ trên những ngôi nhà dọc theo con đường này ngày trước phần lớn làm nghề đánh cá, phơi cá khô, làm nước mắm. Nét nhộn nhịp nhất ở con đường này liên quan đến hoạt động ngư nghiệp; và cách gọi là Bến Ngư Ông xuất phát từ chữ Quai (bến) theo cách đặt của người Pháp thời xưa.

                
Đường Ngư Ông ngày nay.

Người dân sống lâu năm ở Phan Thiết nhắc đến Bến Ngư Ông thường nhớ về một ngôi nhà lầu cổ của một gia đình người Hoa giàu có ngày xưa, ông Cẩm Xìn. Ngôi nhà lầu ấy, trải bao mưa nắng của thời gian, vẫn hiện hữu, dù đã mang trên mình những sắc màu nhạt nhòa theo năm tháng.

Đi trên Bến Ngư Ông của Phan Thiết những năm trước giải phóng, mọi người thường nhớ về mùi đặc trưng của những thùng lều nước mắm, mùi của cá khô được phơi trên đường, mùi của những nồi  ghẹ luộc… của Phan Thiết xưa.

Theo thời gian đã có khá nhiều sự thay đổi, nhưng những người đi xa Phan Thiết lâu năm, khi về lại thăm quê,  đường Ngư Ông là một trong những con đường dễ nhận diện. Hai bên đường vẫn  còn một vài ngôi nhà cũ, lợp ngói âm dương, dù có khi đã đến 60, 70 năm. Những nhà làm nghề phơi cá khô vẫn còn khá nhiều. Và cả những nhà bán ngư cụ... Chợ Cẩm Xìn trên đường Ngư Ông vẫn tồn tại trong rất nhiều năm. Do đường hẹp, chỉ rộng khoảng 8m, lưu lượng xe đi lại nhiều, chợ tự phát này ở đường Ngư Ông tạo góc với đường Ngô Quyền, thường bị nghẽn xe vào các buổi sáng. Đã rất nhiều năm, phường Lạc Đạo, khu phố 6, tìm nhiều cách để giải quyết tình trạng bà con tiểu thương buôn bán theo 2 bên lề đường. Chợ Cẩm Xìn đã được dời vào trong, ở đường Hoàng Văn Thụ, nhưng việc mua bán cá ngay tại khu chợ tự phát tại đây vẫn luôn tấp nập vào mỗi buổi sáng. Có lẽ do người bán có cá biển tươi ngon thường đem đến chợ này. Và người mua thường ghé lại đây để tìm mua cá biển, tôm, mực tươi cho gia đình. Khá nhiều bà con người gốc Quảng Bình vào sinh sống, lập nghiệp ở Phan Thiết với nghề biển từ rất lâu trước đây cũng đã ngụ hai bên đường Ngư Ông, chan hòa với bà con quê Phan Thiết.

Đường Ngư Ông lại có cả chùa Tường Minh, mới được xây dựng lại, đẹp đẽ, khang trang trong những năm qua. Đường còn gắn với mặt sau của nhà thờ Chánh tòa Phan Thiết; mà mỗi ngày, mỗi tuần, bà con giáo dân đều đặn đến để đi lễ, nguyện cầu. Đường Ngư Ông đã trải dài trên 2 phường Đức Thắng, Lạc Đạo. Mỗi phường, mỗi khu phố, bà con có những nét sinh hoạt, ăn ở, giao tiếp khác nhau. Nhưng điểm chung dễ thấy là bà con gắn bó ít nhiều với miền biển. Dù những nhà lều nước mắm đã được dời ra Phú Hài, và một phần trong số những nhà lều nước mắm cũ đã trở thành nhà kho lớn chứa hàng, nhà xe, nhưng nhiều vựa hải sản lớn vẫn tiếp tục được xây dựng trên con đường này. Hơi hướng của cá, của mắm, của chợ hải sản vẫn len lỏi trên đường Ngư Ông ngày nay.

Đường Ngư Ông vẫn là một trong những con đường lưu lại được phần nào nét riêng của Phan Thiết, từ ngày trước, đến bây giờ.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết xưa và nay: Ngư Ông - con đường nghề nghiệp