Thời điểm xăng dầu tăng giá, chính các âu tàu với đầy đủ dịch vụ từ bán dầu, đá với giá bờ, đến cung cấp nước ngọt, hỗ trợ lương thực, sửa chữa tàu thuyền miễn phí… ở các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa đã góp phần nâng số lượng tàu đánh bắt khơi xa của Bình Thuận nhiều hơn.
Những “cột mốc” sống
Đợt áp thấp nhiệt đới đầu tháng 7 trên biển Đông khiến nhiều tàu thuyền đi đánh bắt dài ngày ở quần đảo Trường Sa đã lui về đảo Phú Quý trú ẩn. Ngư dân Tạ Văn Sang ở xã Long Hải cũng thế. Chuyến đánh bắt dài 24 ngày qua, theo như lời anh nói là một cuộc tính toán cân não. Vì thời điểm đi, giá dầu tăng gấp đôi, nhiều tàu thuyền ở Phú Quý và nhiều nơi không ra khơi. Thế mà, khi ấy anh và 15 thuyền viên quyết nhổ neo con tàu dài khoảng 20 m với công suất 450 CV vượt trăm hải lý ra quần đảo Trường Sa câu khơi. Cùng lúc, 10 thuyền bạn khác đều ở Phú Quý cũng quyết tâm xuất phát. Ra vùng biển Trường Sa, mỗi tàu phân bổ đánh bắt quanh các đảo xa nhưng vẫn bảo đảm khoảng cách để có thể hỗ trợ nhau, nhất là khi động cơ máy móc hư hỏng, khi cần thiết để nhận và truyền tin báo về đất liền.
Chuyến ấy, ngư dân Tạ Văn Sang câu quanh đảo Chữ Thập, có mất thời gian loanh quanh với tàu lạ nhưng lao động trên tàu cũng câu được mấy tấn cá vào Cà Ná (Ninh Thuận) bán được khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi lao động được chia 40 triệu đồng. Với số tiền lời ấy của chuyến biển, lần nữa khẳng định thêm kinh nghiệm của ngư dân Tạ Văn Sang, dù mới 45 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm đi đánh bắt ở quần đảo Trường Sa. Và cũng dễ hiểu vì sao trước năm 2016, khi giá dầu ít “nhảy múa” ngư dân Tạ Văn Sang là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Mấy năm sau này, dù năm đạt năm không nhưng với anh, vùng biển Trường Sa là nơi nuôi sống gia đình anh. Người mở lối đánh bắt ấy là cha anh, khi vào những năm 1994 – 1995 với chiếc tàu không lớn mà ông đã mang anh và vài lao động đến với Trường Sa, để rồi bị hư máy, được lai kéo vào Trường Sa lớn sửa chữa.
Sau khi về Phú Quý, giấc mơ vươn đến vùng biển xa này đã thôi thúc nhà anh vay mượn, hùn hạp đóng thuyền to, sắm máy lớn và kết quả nhiều năm trước anh là chủ con tàu dài 20 m, công suất 450cv hiện tại. Từ đó đến nay, mỗi năm anh đi 6 - 7 chuyến đánh bắt ở quần đảo Trường Sa, mỗi chuyến dài hơn 1 tháng hoặc hơn 20 ngày, tùy thời tiết nhưng tính ra, thời gian anh ở ngoài biển khơi nhiều hơn ở nhà. Chính bề dày hơn 20 năm nên anh đã rong ruổi trên các đảo xa, tới cả những đảo chưa có người đóng, những đảo chưa biết gọi tên gì nên cứ thấy có sự bất thường nào, anh đều báo về cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân (Khánh Hòa). Nhưng ngoài biển khơi đâu phải lúc nào cũng liên lạc được nên đôi khi chính anh tự quyết định theo lẽ đương nhiên của người dân bảo vệ biển quê hương. Chuyện 3 - 4 năm trước, anh phát hiện tại Bãi Cạn có cờ lạ, loay hoay báo tin không được, cuối cùng anh lên nhổ cờ mang đi là một ví dụ. Rồi bao lần trên biển bất ngờ giáp tàu lạ, gần đến độ ai trên tàu cũng thấy cả súng to lẫn súng nhỏ chĩa về tàu, nhưng anh ra lệnh tàu cứ bình thản chạy, không tạo điều kiện cho tàu lạ kiếm cớ va đụng…
Vì vậy, hầu như năm nào, anh Tạ Văn Sang cũng được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng bằng khen, vì có thành tích tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Không chỉ anh Sang, nhiều ngư dân khác trong tỉnh có tàu đi đánh bắt ở quần đảo Trường Sa với đóng góp tương tự cũng được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân khen thưởng. Họ được ví như những “cột mốc” sống trên biển…
Kết nối ngoài khơi
Còn theo cách nói của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, những ngư dân trên là tai là mắt, là mạng lưới nắm địch trên biển, là chiến lược chiến tranh nhân dân trên biển. Thực tế, không phải ngư dân nào đi tàu đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa cũng xứng với vinh danh ấy, vì có nhiều tàu chỉ ra các đảo gần như: Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa rồi câu tại vị trí neo để kiếm cá ăn hàng ngày, chờ đúng ngày quy định để được hưởng tiền hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. “Trong khi đó, với ngư dân Bình Thuận đại đa số là ngư dân thực sự vươn khơi bám biển, duy trì hoạt động khai thác thực chất, hoạt động rộng khắp các khu vực trên quần đảo Trường Sa với nhiều nghề khác nhau như câu khơi, mành chụp, lặn đêm, lặn ngày… Nguồn thu chính của bà con ngư dân Bình Thuận là từ hải sản khai thác được. Ngoài tính lịch sử truyền thống cách mạng của ngư dân Bình Thuận, thực chất có 2 mặt của một vấn đề đấy chính là bản thân ngư dân vươn khơi bám biển là người hiểu rõ nhất về ý thức và giá trị của việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo” – đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân nhận định.
Tính 2 mặt của vấn đề, theo lý giải của cơ quan chức năng này, đó là khi ngư dân báo tin, lực lượng tàu Hải quân trực sẵn sàng chiến đấu trên quần đảo Trường Sa sẽ kịp thời cơ động bám sát theo dõi, xác minh làm rõ mục tiêu, ngăn chặn xua đuổi theo đúng quy định để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Điều này cũng có nghĩa bảo vệ ngư trường của ngư dân, bảo vệ an toàn cho bà con khai thác hải sản hợp pháp tại vùng biển khơi từ rìa lãnh hải đổ ra hết vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nhờ vậy, cũng trực tiếp bảo vệ ngư dân đánh bắt tại vùng biển liền kề phía trong, vốn thuộc khu vực lãnh hải do Cảnh sát biển quản lý và khu vực vùng nội thủy giáp bờ do Bộ đội Biên phòng tỉnh cai quản, được an toàn. Chính vị trí xa khơi như thế nên ai cũng nghĩ rằng, tàu đánh bắt ngoài trùng dương ấy bơ vơ, nguy hiểm. Nhưng thực tế thì không. Khi nhận bất cứ tin báo cần giúp đỡ của ngư dân, Vùng 4 Hải quân triển khai tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, cứu kéo, lai dắt tàu thuyền ngư dân gặp nạn trên biển cũng như tiếp nhận các trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc. Ngoài ra, còn mua hải sản do ngư dân khai thác đưa vào bữa ăn của bộ đội như một cách hỗ trợ họ vươn khơi bám biển được dài ngày hơn, tiết giảm chi phí hơn. Chưa hết, thời điểm xăng dầu tăng giá, chính các âu tàu với đầy đủ dịch vụ từ bán dầu, đá với giá bằng giá bờ, đến cung cấp nước ngọt, hỗ trợ lương thực thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền miễn phí… ở các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa đã góp phần thu hút số lượng tàu đánh bắt khơi xa nhiều hơn.
Bằng chứng rất rõ tại Bình Thuận, đó là số lượng tàu thuyền của ngư dân, mà chủ yếu là ở đảo Phú Quý đi đánh bắt ngoài quần đảo Trường Sa ngày một nhiều, bất chấp giá dầu “nhảy múa”. Nếu năm 2019 Bình Thuận chỉ có 718 lượt tàu khai thác hải sản ở đây thì năm 2020 có 734 lượt tàu đánh bắt. Bất ngờ, sang năm 2021 đã lên 1.045 lượt tàu và ngỡ ngàng hơn, khi 6 tháng đầu năm nay, xăng dầu tăng giá liên tục nhưng Bình Thuận có đến 1.051 lượt tàu vươn khơi đánh bắt vùng biển xa này. Đó là chưa tính lượng tàu thuyền đánh bắt xa khơi của TP.Phan Thiết, thị xã La Gi thuộc quản lý và bảo vệ của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, đơn vị cai quản vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu và thềm lục địa phía Nam.
Với bờ biển trải dài 192 km cùng sự quản lý của 2 đơn vị Hải quân đã phần nào thấy sự đặc biệt của vùng biển Bình Thuận. Chưa hết, Bình Thuận có vùng nội thủy rộng nhất, xuất phát từ cột mốc A6 (Hòn Hải – Phú Quý) trên đường cơ sở đã góp phần tạo nét khác biệt trong phát triển bền vững kinh tế biển.
Gửi bình luận Đóng