Theo dõi trên

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng và lợi thế

26/12/2023, 05:28

Lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 22/12/2023.

Tại hội nghị này, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể. Thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm, dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa.

z4247557024809_f4f80d317f0ffa921c434f346d024dd3.jpg
Biểu biểu phục vụ khách tham quan ngay tại gian hàng Du lịch Bình Thuận.

Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng nêu rõ 5 cơ sở chính trị rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gồm 2 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và XIII, 2 Nghị quyết chuyên đề của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021…

Đối với tỉnh Bình Thuận trong thời gian vừa qua đã triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa. Đối với hoạt động điện ảnh với việc phát triển lĩnh vực thuộc Nhà nước đầu tư, địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức mạnh dạn đầu tư loại hình về lĩnh vực điện ảnh như: Rạp chiếu phim của Siêu thị Lotte Mart Phan Thiết hoạt động hiệu quả. Đối với hoạt động tuyên truyền và nghệ thuật biểu diễn, đã tổ chức có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện được các địa phương tổ chức ngày càng hiệu quả và chất lượng hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên và sôi động, tổ chức và tham gia thành công nhiều đợt liên hoan, hội thi, hội diễn trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm ngày càng hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều phương thức đa dạng đã đi sâu vào đời sống, tiếp cận công chúng sâu rộng hơn. Đối với lĩnh vực quảng cáo, hiện nay tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy hoạch về quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài tỉnh thực hiện đúng theo quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đặc biệt là lĩnh vực Du lịch văn hóa, với tiềm năng du lịch đa dạng, sở hữu nhiều bãi biển đẹp đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh khai thác có hiệu quả nhiều loại hình, sản phẩm du lịch biển, làm tăng sức thu hút du khách đến tỉnh tham quan, du lịch trong những năm qua. Tỉnh có 5 lễ hội văn hóa truyền thống được UBND tỉnh chọn tổ chức để thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch văn hóa như: Lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú, Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Quan Đế miếu, Lễ hội Trung Thu, Lễ hội Katê của người Chăm tại tháp Pô Sah Inư ở thành phố Phan Thiết và Lễ hội dinh Thầy Thím ở thị xã La Gi được duy trì tổ chức thường xuyên hàng năm hoặc theo chu kỳ năm một lần. Trong đó, Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, Lễ hội dinh Thầy Thím và Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UBND tỉnh triển khai xây dựng và phê duyệt đề án để bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Chính vì thế Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể có liên quan. Cùng với đó, cần phát huy tối đa nội lực và tranh thủ ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của phát triển văn hóa. Đặc biệt, cần phát huy tinh thần tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần quyết tâm, vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, đổi mới sáng tạo...

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nâng sức cạnh tranh, giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận
Thích hợp với vùng đất nắng gió, thanh long từng được mệnh danh là loại cây trồng “xóa đói, giảm nghèo”, thời kỳ đỉnh cao còn ví như cây “làm giàu” của một bộ phận nông dân Bình Thuận.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng và lợi thế