Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020 thì trên địa bàn Bình Thuận có 36 cụm công nghiệp với diện tích 1.182,8 ha và thời điểm đó, toàn tỉnh thành lập được 27 cụm công nghiệp với diện tích 932,4 ha. Hiện 14 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có chủ đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng, 1 cụm công nghiệp do Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư…
Bình Thuận hướng đến phát triển gắn với sử dụng hiệu quả đất cụm công nghiệp. (Ảnh minh họa)
Sau khi thành lập, các cụm công nghiệp từng bước phát huy hiệu quả đầu tư thông qua thu hút, bố trí hơn 170 dự án thứ cấp với tổng diện tích gần 270 ha (chiếm hơn 35% diện tích đất công nghiệp). Qua đó giải quyết việc làm cho khoảng 8.200 lao động trong vùng có cụm công nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp và thu ngân sách cho địa phương.
Tiếp tục xúc tiến triển khai, trong nửa đầu năm 2022 các cụm công nghiệp chủ yếu chi cho công tác đền bù giải tỏa, đầu tư hạ tầng… với giá trị thực hiện đạt khoảng 70 tỷ đồng. Trong đó các cụm công nghiệp như Nam Hà 2, Đông Hà, Nghĩa Hòa, Sông Bình tập trung thi công đường giao thông nội bộ, cổng - tường rào, cống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải… Thời gian qua, việc hình thành cụm công nghiệp theo quy hoạch tại Bình Thuận được đánh giá phù hợp với định hướng phát triển của ngành và của các địa phương. Dù vậy bên cạnh mặt tích cực cũng cho thấy không ít tồn tại, hạn chế như công tác đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Sở Công Thương cho biết qua nửa đầu năm nay, toàn tỉnh không thu hút được dự án mới vào các cụm công nghiệp mà chỉ có nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký thực hiện một số dự án, trong đó có Nhà máy sản xuất va ly, túi xách tại Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa (Hàm Tân). Cũng có trường hợp cụm công nghiệp được thành lập triển khai đầu tư nhưng chậm trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư còn kéo dài. Hay như kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển cụm công nghiệp tuy đã được quan tâm đầu tư, song so với yêu cầu phát triển vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Năng lực nhà đầu tư hạn chế và thêm tác động của dịch Covid - 19 nên gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng tiến độ triển khai đầu tư các dự án đầu tư cụm công nghiệp…
Vì vậy những tháng còn lại của năm 2022, sở chức năng sẽ tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp: Sông Bình, Nghĩa Hòa, Đông Hà, Nam Hà, Nam Hà 2, Tân Bình 1, Nghị Đức… tạo điều kiện thu hút dự án thứ cấp. Đồng thời tăng cường công tác mời gọi đầu tư (bao gồm cả đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp lẫn thu hút lấp đầy dự án thứ cấp), tiến hành rà soát các dự án đầu tư cụm công nghiệp còn chậm, không có khả năng triển khai sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét thu hồi chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất cụm công nghiệp, Sở Công Thương cũng đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm trình phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở triển khai đầu tư các dự án cụm công nghiệp. Tích cực phối hợp xây dựng và hoàn chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Theo đó đã đề nghị các địa phương rà soát đưa ra khỏi quy hoạch các cụm công nghiệp có vị trí không thuận lợi, không thu hút được chủ đầu tư hạ tầng trong nhiều năm qua…