Theo dõi trên

Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ

14/03/2024, 05:08

Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đối với Bình Thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động, với quan điểm, mục tiêu cụ thể nhằm phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ.

Hạ tầng đường sắt lạc hậu

Tỉnh Bình Thuận có đa dạng các loại hình giao thông. Riêng về loại hình giao thông vận tải đường sắt, trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Thống Nhất (Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh) đi qua. Ngoài ra, còn có tuyến nhánh đường sắt từ ga Bình Thuận đến ga Phan Thiết với chiều dài gần 10 km qua địa bàn các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết, phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa cho tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết.

Bình Thuận sẽ triển khai tuyến đường sắt Bắc - Nam theo hướng hiện đại hơn.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Kết luận số 27-KL/TW, ngày 27/8/2008 của Bộ Chính trị (khóa X); nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ngành, địa phương về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt ngày càng được nâng lên. Tỉnh đã tham gia góp ý để Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tiếp thu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông Vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phối hợp với ngành đường sắt di dời ga Phan Thiết (cũ) từ nội thành ra ngoại thành Phan Thiết; đã đầu tư xây dựng 1.937 m đường gom, xóa bỏ 3 lối mở tự phát qua đường sắt; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn…

Ga Phan Thiết mới

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Kết luận số 27-KL/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đáng lưu ý là: Hạ tầng giao thông đường sắt còn lạc hậu; một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn; công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt còn hạn chế, tình trạng người dân tự ý mở đường mòn, lối qua đường sắt vẫn chưa được xử lý có hiệu quả; số vụ tai nạn giao thông đường sắt vẫn còn diễn ra. Quy hoạch liên quan đến phát triển giao thông đường sắt còn thiếu tính kết nối, chưa đồng bộ. Nhận thức của một bộ phận người dân về an toàn giao thông đường sắt chưa đầy đủ, còn chủ quan, lơ là.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do: Quy định pháp luật về giao thông vận tải đường sắt chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; thiếu cơ chế, chính sách đột phá. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương với chính quyền địa phương trong việc triển khai chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; công tác quản lý hành lang an toàn đường sắt có lúc chưa thường xuyên; thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm của các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường sắt cho người dân.

Những du khách đầu tiên đến Bình Thuận năm 2024 tại ga Phan Thiết

Với quan điểm thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, nhất là đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy lợi thế trên các hành lang kinh tế chiến lược, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam trong tương lai là trục “xương sống”, tiếp tục khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả với các đầu mối giao thông vận tải trong tỉnh (cảng biển, cảng hàng không, khu du lịch...). Phối hợp khai thác hiệu quả tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí vận tải.

Về mục tiêu tổng quát, Bình Thuận xác định: Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, cùng với các loại hình giao thông khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển giao thông vận tải đường sắt của quốc gia.

Về mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam; trong đó, ưu tiên hoàn thành công tác đền bù, thu hồi đất để đủ điều kiện khởi công trong giai đoạn 2026 - 2030 đối với tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang (đoạn qua địa bàn tỉnh). Đến năm 2030: Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tiến hành cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có trên địa bàn tỉnh.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Bình Thuận cũng xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò, lợi thế của phương thức giao thông vận tải đường sắt, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong quá trình phát triển giao thông vận tải đường sắt thời gian tới.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, góp ý với cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về sử dụng đất cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt theo thẩm quyền của địa phương. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương về phát triển hạ tầng giao thông vận tải đường sắt.

Chú trọng công tác quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, khu du lịch và các tuyến đường giao thông kết nối với các tuyến, ga đường sắt, tạo ra không gian phát triển mới, phát huy hiệu quả trong khai thác vận tải đường sắt, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đền bù, thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án đường sắt và công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh với các bộ, ngành trong quá trình triển khai chiến lược, quy hoạch, dự án; công tác giải phóng mặt bằng; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Bình Thuận có tổng chiều dài gần 175 km đường sắt qua địa bàn 6 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Bắt đầu từ km 1439+200 (thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) đến km 1614+128 (thuộc xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh). Toàn tỉnh có 176 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ; trong đó: 64 đường ngang hợp pháp (7 đường ngang có nhân viên gác chắn, 44 đường ngang có phòng vệ bằng cảnh báo tự động, cần chắn tự động, 13 đường ngang phòng vệ bằng biển báo) và 112 lối đi tự mở.

NHƯ NGUYỄN; ẢNH ĐÌNH HÒA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phối hợp càng chặt chẽ, chống khai thác IUU càng hiệu quả
Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đối với ngành thủy sản nói riêng và cả nước nói chung trong tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản của Việt Nam. Do đó, nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết được UBND tỉnh đặt ra, nhất là khoảng thời gian đến 30/4/2024, để chuẩn bị đón, làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra Việt Nam lần thứ 5.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ