Tại Bình Thuận, Tỉnh ủy (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU, về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết đòi hỏi phải đi vào thực chất và mang lại kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực.
Thực trạng
Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức lồng ghép các mục tiêu, định hướng, giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh và các kế hoạch, chương trình, dự án của các sở, ban, ngành, địa phương. Chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời các chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách có liên quan đến công tác phát triển nguồn nhân lực. Tập trung nâng cấp các cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đối với công tác cán bộ. Các đơn vị, địa phương đã xây dựng, ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, làm cơ sở để quản lý, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ…
Tuy có nhiều cố gắng trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, song cho đến thời điểm này, chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động qua đào tạo nghề còn thiếu; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao; tỷ lệ lao động đào tạo ngắn hạn và sơ cấp còn nhiều; thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật và quản lý giỏi. Hiệu quả đào tạo còn thấp so với yêu cầu, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo chưa cao. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề còn bị động, thu nhập của người lao động còn thấp. Nhu cầu người lao động nông thôn đăng ký tham gia học nghề ngày càng giảm. Chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ còn thấp nên việc tuyển dụng những người có trình độ cao, có năng lực chuyên môn giỏi để làm giáo viên còn gặp khó khăn. Nội dung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu các tình huống thực tế liên quan đến công việc. Kết quả thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác tại tỉnh còn hạn chế, nhất là ngành y tế, hiện còn thiếu nhiều bác sĩ. Cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về làm việc tại tỉnh chưa hấp dẫn…
Giải pháp
Để công tác phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đi vào thực chất và mang lại kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TU. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các ngành, các lĩnh vực của tỉnh; trước hết, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh (công nghiệp, du lịch, nông nghiệp), bao gồm nguồn nhân lực xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, có phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân. Chú trọng xây dựng cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng và bảo đảm tính kế thừa. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, sức khỏe thể lực và phẩm chất đạo đức, lối sống, tâm lý xã hội. Ban hành chính sách thu hút, sử dụng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư có trình độ khá, giỏi trở lên, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về làm việc ở tỉnh cả trong hệ thống cơ quan nhà nước và ngoài khu vực nhà nước. Tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực của đơn vị mình, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tại doanh nghiệp. Tiếp tục mở rộng liên kết, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trên các lĩnh vực; kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước liên kết đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ, chú ý các khâu đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất, dám phản biện lại lãnh đạo và dám chịu trách nhiệm. Tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người lao động. Xây dựng chính sách khen thưởng, tuyên dương những cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.