Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh cho biết, cùng với những thành tựu đạt được trong những năm qua và 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và quyền lợi của đối tượng thụ hưởng.
Cụ thể, thời gian qua việc thực hiện Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có 2 nội dung cần quan tâm là định mức phân bổ dự toán chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể theo biên chế được giao khá thấp so mặt bằng chung của cả nước (thấp hơn 54 tỉnh, thành phố), khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên.
Việc bố trí, phân bổ ngân sách để chi trả cho các hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP để thay thế cho hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP đến nay chưa có định mức giao cụ thể, dẫn đến các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên gặp nhiều khó khăn, lúng túng...
Về việc chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2023 sau khi HĐND tỉnh thông qua kế hoạch phân bổ kinh phí đối với nguồn vốn Trung ương hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 9/5/2023, quá trình phối hợp của các sở, ngành vẫn còn chậm nên hiện nay UBND tỉnh chưa phê duyệt kinh phí chi trả. Từ năm 2023, UBND tỉnh lập hồ sơ thiết kế với hạn mức khoán không quá 30 ha/hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 18 và số hộ chênh lệch (tăng 356 hộ) so với số hộ được phê duyệt tại Phụ lục 2 Nghị quyết 18…
Tại phiên giải trình, đại diện các sở, ngành liên quan đã báo cáo việc thực hiện dự toán chi thường xuyên phân bổ cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; giải trình về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dẫn đến việc chậm tiến độ chi trả kinh phí. Đồng thời nêu rõ nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. Một nội dung quan trọng khác liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa kịp thời, chậm so với quy định, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của đồng bào đã được đại diện ngành chức năng có trách nhiệm liên quan giải trình làm rõ.
Phát biểu kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành trong chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước đối với 2 nội dung giải trình, làm rõ thêm các nội dung được đại biểu, cử tri quan tâm. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện đạt kết quả các nội dung đã giải trình tại phiên họp. Mặt khác, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các ban, tổ đại biểu HĐND tỉnh theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình tích cực theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận phiên giải trình.
Theo HĐND tỉnh, đây là phiên giải trình đầu tiên của Thường trực HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Qua đó xác định tổ chức phiên giải trình là một hình thức giám sát theo luật định, thể hiện rõ chức trách, sự quyết tâm của Thường trực HĐND tỉnh trong thực hiện trách nhiệm của cơ quan dân cử; từng bước đưa hoạt động giải trình trở thành hoạt động thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.