Theo đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý, thức ăn đường phố. Đặc biệt chú ý đến các cơ sở kinh doanh thủy, hải sản hoặc sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thủy, hải sản, nhất là các sản phẩm từ cá để chế biến thức ăn, kiên quyết không để các cơ sở kinh doanh các sản phẩm thủy, hải sản ôi, ươn, không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Histamine cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể…
Histamine có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí khi được nấu chín cũng không bị phá hủy. Vì vậy, nếu cá biển có chứa lượng Histamine cao vẫn không mất đi trong quá trình đun nấu. Độc tính của Histamine phụ thuộc và tổng lượng Histamine ăn phải. Nếu lượng ăn vào từ 8 - 40 mg Histamine, người nhạy cảm sẽ bị chảy nước mắt, nước bọt; nếu lượng ăn vào từ 1.500 – 4.000 mg, người ăn có biểu hiện như nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, mạch nhanh, khó thở, nổi ban…
Do vậy cá phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, cá còn tươi, thịt cá chắc, mắt trong, mang đỏ, cắt ra còn máu đỏ tươi, bụng cá còn kín, vây cá dính chắc vào thân, mùi tanh nhẹ và giữ màu xám đặc trưng của cá; trước khi chế biến phải rửa sạch, nấu chín kỹ…
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể làm nhiều người phải nhập viện điều trị. Đặc biệt gần đây xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do Histamine có trong cá tại Nghệ An và Hải Phòng.