Nhiều vụ đuối nước đầu mùa hè
Tại Việt Nam, trong tai nạn thương tích, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù số trẻ em bị đuối nước đã có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng theo thống kê, mỗi năm, đuối nước vẫn cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 trẻ em.
Ở Bình Thuận mới đây, vào chiều ngày 16/4 được nghỉ học, hai em học sinh Trường THCS Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) rủ nhau ra thượng nguồn sông Cà Ty tắm và sự việc không may đã xảy ra. Hay chỉ trong chiều ngày 1/5/2022 trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm làm 2 cháu bé tử vong, 1 cháu mất tích.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu vẫn là nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước trẻ em còn thấp. Trẻ thiếu kỹ năng bơi lại hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, hoặc biết bơi nhưng trẻ chủ quan. Cùng với đó là sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Nhiều nhà sống gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có hàng rào bảo vệ, biển báo nguy hiểm, các giếng, bể nước không có nắp đậy. Ngoài ra, một số vùng nông thôn không có các điểm vui chơi dành cho trẻ em vào mùa hè nên các em thường tự tụ tập vui chơi rồi tìm đến các ao, hồ, sông, suối để tắm dẫn đến nguy cơ đuối nước…
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Trong những năm qua, nhiều địa phương đã đưa môn bơi lội vào trường học bằng cách tổ chức các bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các em gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước để chờ người lớn tới cứu.
Không đợi đến lúc các con được nghỉ hè mà ngay sau khi hết giãn cách xã hội, nhiều gia đình chủ động cho con em tham gia lớp tập bơi với tinh thần không chủ quan, nâng cao cảnh giác với các nguy cơ tai nạn đuối nước. Chị Nguyễn Thị Thu Hiếu (phường Phú Tài, TP. Phan Thiết) cho biết: Tại hồ bơi, các thầy đã dạy con những kỹ năng bơi lội và xử lý một số tình huống có thể xảy ra khi ở dưới nước. Đây là sân chơi an toàn dành cho con trẻ trong dịp hè với sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và giáo viên dạy bơi.
Ngày 22/4, UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành là thành viên Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phổ biến và thực hiện nghiêm kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát và trông giữ trẻ em, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước, phòng ngừa nguy cơ tự tử trẻ em đến từng hộ gia đình, trường học, lớp học.
Cùng với đó, đầu tư ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh, bể bơi tự tạo để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập mới an toàn cho trẻ em. Tăng cường công tác thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt tại các địa phương, địa bàn xảy ra các vụ việc tai nạn, thương tích nghiêm trọng và có trẻ em tử vong. Đồng thời biểu dương, nhân rộng kịp thời những sáng kiến hay, mô hình tốt, đóng góp ý nghĩa của xã hội, gia đình, cộng đồng trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại địa phương…
Mục tiêu đến năm 2025, Bình Thuận có 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, biết bơi an toàn và đến năm 2030 tăng lên 70%. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.