Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của Đảng và Nhà nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhất định. Trong đó, diện tích và chất lượng rừng có xu hướng tăng nhưng cơ cấu cây trồng chưa đa dạng, mức độ rủi ro cao, năng suất và hiệu quả còn thấp. Rừng trồng có nguy cơ thiếu bền vững và dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt là nhiều cánh rừng nghèo chưa ứng dụng công nghệ sinh học vào các công tác lâm sinh nên hiệu quả chưa cao.
Nhiều năm qua, việc gây trồng các loài cây có giá trị kinh tế trên vùng đất Bình Thuận đang gặp nhiều khó khăn. Đã có nhiều ha rừng trồng bị chết do khô hạn, còn lại cũng sinh trưởng rất kém trong đó có nguyên nhân là cây trồng không thích nghi với thổ nhưỡng. Do đó, việc tìm kiếm những loài cây bản địa có khả năng chịu được điều kiện khô hạn nhưng có giá trị kinh tế, có khả năng cải tạo môi trường, cải thiện tiểu vùng sinh thái cho phát triển lâm nghiệp là điều cần giải quyết. Từ thực tế trên, năm 2017 UBND tỉnh đã quyết định thử nghiệm “Xây dựng mô hình phục hồi rừng nghèo bằng cây bản địa có giá trị tại huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Nam”. Với mục tiêu là lựa chọn từ 4 - 6 loài cây bản địa có quan hệ với nhau để trồng, mô hình quy mô 4 ha rừng tại huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Nam. Đến nay cây trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp điều kiện tự nhiên Bình Thuận, chiều cao cây đạt từ 1,5 m trở lên, mật độ sống trên 85%. Qua điều tra đặc điểm lâm học trên lâm phận rừng nghèo cho thấy, khoảng 4 - 6 loài cây bản địa có giá trị và đặc tính cây trội phục vụ gieo ươm trồng rừng mô hình gồm: Bằng lăng, lim xanh, lim xẹt, giáng hương, trám trắng (cà na). Qua đó đã gieo ươm hơn 3.250 cây con, trồng 2 ha rừng tại huyện Bắc Bình và 2 ha rừng tại huyện Hàm Thuận Nam. Hiện tại, các nội dung công việc đã triển khai đúng tiến độ và tiếp tục triển khai các nội dung tiếp theo. Điều mà ai cũng nhận thấy, tình trạng sa mạc hóa ở địa bàn tỉnh ngày càng trầm trọng. Đáng lo ngại là tốc độ thoái hóa đất diễn ra ngày càng nhanh, đặc biệt là tại các vùng trọng điểm khô hạn của tỉnh như huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam... Bên cạnh đó, độ che phủ nghèo nàn trong khi bề mặt là cát, do vậy tốc độ hoang mạc hóa nhanh hơn.
Mục tiêu của tỉnh đặt ra là phải bảo vệ và phát triển có hiệu quả vốn rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh đã có những chủ trương giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới. Theo đó, quản lý tốt diện tích rừng hiện có và thực hiện nghiêm các quy định cải tạo rừng. Tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực sử dụng giá trị môi trường và cảnh quan của rừng. Tăng cường các biện pháp phòng, chống phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng. Có sự phân công, phối hợp tốt giữa lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân nhất là những khu vực trọng điểm.
Khi “mô hình phục hồi rừng nghèo bằng cây bản địa có giá trị” được nhân rộng chắc chắn nhiều cánh rừng nghèo của tỉnh sẽ được hồi sinh, màu xanh của rừng sẽ dần thay thế những cánh rừng vàng úa. Đồng thời, nhiều khu vực rừng trồng ven biển chống cát bay, tăng độ che phủ và khả năng chế ngự sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sẽ biến hàng ngàn ha đất hoang hóa thành những khu rừng sinh thái phục vụ du lịch và sản xuất.