Năm 2023, Sở Tư pháp Bình Thuận đã tích cực tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương. Tích cực tham mưu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thi hành các văn bản pháp luật, chính sách về công chứng và hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thống nhất, hiệu quả, đưa các quy phạm pháp luật về công chứng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Theo đó, thực hiện Đề án và chủ trương của UBND tỉnh về tạo nguồn phát triển đội ngũ công chứng viên hoạt động trên địa bàn tỉnh đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng việc phát triển số lượng tổ chức hành nghề công chứng của tỉnh đến năm 2025, Sở Tư pháp đã phối hợp với Học viện Tư pháp mở lớp đào tạo nghề công chứng tại tỉnh. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập mới 2 văn phòng công chứng, nâng tổng số tổ chức hành nghề công chứng được thành lập trên toàn tỉnh 36 tổ chức, với công chứng viên đang hành nghề 51 người. Đội ngũ công chứng viên tại các tổ chức hành nghề công chứng phát triển đáng kể về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc, phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng ngày càng cao của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Trước chủ trương xã hội hóa của Nhà nước, các phòng công chứng và văn phòng công chứng đã có sự đổi mới, xây dựng được phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Người dân có nhiều lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện việc chứng nhận hợp đồng giao dịch, làm giảm áp lực lên bộ máy nhà nước. Điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng trong việc thực hiện chức năng của mình. Đồng thời thể hiện quyết tâm cải cách hành chính lĩnh vực công chứng theo hướng gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho người dân khi đi công chứng và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế ngày càng phát triển.
Chỉ trong 10 tháng năm 2023, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 360.440 việc công chứng, chứng thực. Trong đó công chứng hợp đồng giao dịch 97.208 việc, công chứng bản dịch và các loại việc khác 861 việc. Tổng thu phí công chứng, chứng thực và thù lao công chứng trên 46 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước hơn 3,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Tư pháp cho biết đã thực hiện tiếp nhận 1.058 văn bản đề nghị ngăn chặn, giải tỏa ngăn chặn do các cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi về, tăng 507 văn bản so với năm trước. Đã nhập 981 văn bản trên Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực; từ chối 77 trường hợp do không đủ điều kiện cập nhật ngăn chặn. Tuy nhiên, khi cập nhật thông tin tập sự, đăng ký hành nghề, xóa đăng ký hành nghề… của công chứng viên, thông tin thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng lên Hệ thống phần mềm quản lý công chứng do Bộ Tư pháp quản lý vẫn còn một số vướng mắc.
Để khắc phục tình trạng trên, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về tổ chức và hoạt động công chứng, phòng ngừa các rủi ro trong hoạt động công chứng, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, Sở Tư pháp đã kiến nghị với Bộ Tư pháp kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc. Đồng thời, về phần mình vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho lĩnh vực công chứng. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực tư pháp, trong đó có hoạt động công chứng. Nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực công chứng.