Theo dõi trên

Giảm thiểu tai nạn giao thông ở học sinh: Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội

13/03/2024, 05:39

Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người. Trong khoảng thời gian đó, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra hơn 20 vụ va chạm, tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh. Các vụ tai nạn trên đã để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.

Nhiều nguyên nhân tai nạn ở lứa tuổi học sinh

Hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

421644526_711037544503536_8435082813412363383_n.jpg
Công an thị xã La Gi tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho học sinh.

Rõ ràng, việc giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi theo quy định điều khiển loại phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Bởi các em chưa có đủ kỹ năng, kiến thức cần thiết để điều khiển xe máy an toàn. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn đe dọa sự an toàn của những người cùng tham gia giao thông. Theo lý giải của một số phụ huynh, do gia đình chỉ có một chiếc xe làm phương tiện di chuyển, do bận công việc không thể đưa đón nên đành phải đưa xe cho con tự điều khiển đi học.

Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên và phải có giấy phép lái xe. Quy định là thế nhưng thời gian qua, việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn hơn so với quy định vẫn diễn ra khá phổ biến ở các trường trung học phổ thông. Cùng với đó, xe gắn máy đang trở thành phương tiện phổ biến của học sinh, mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ độ tuổi được cấp bằng lái xe nhưng để “lách luật”, nhiều học sinh chống chế bằng cách gửi xe ở ngoài cổng trường. Bởi mỗi khi vào đầu năm học mới, quy định này đã được các nhà trường thông báo, yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, tình trạng học sinh sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy chưa bảo đảm theo đúng quy định vẫn diễn biến phức tạp để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.

e8e40b253dc3ec9db5d2.jpg
Sinh viên trường Cao đẳng Bình Thuận ký cam kết chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ.

Trách nhiệm từ phía gia đình, nhà trường và xã hội

Trước tình trạng số vụ các em trong lứa tuổi học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông có chiều hướng phức tạp, mới đây Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Theo đó, công an các địa phương, đơn vị liên quan sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm của học sinh, việc học sinh gửi xe ở khu vực cổng trường để có biện pháp tuyên truyền, xử lý phù hợp, hiệu quả. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón học sinh vi phạm trật tự ATGT tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết đình chỉ không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh. Lực lượng Công an toàn tỉnh cũng sẽ tập trung điều tra đối với các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh; củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn. Thường xuyên rà soát, kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục những bất cập về ATGT, triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường học…

Việc lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp xử lý trường hợp các em trong lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông là cần thiết, nhưng để giải quyết triệt để vấn đề này thì vai trò của nhà trường và gia đình là rất quan trọng. Bởi nhà trường và gia đình thường xuyên tiếp xúc với các em hàng ngày và có điều kiện để tuyên truyền, giáo dục các em một cách thường xuyên, liên tục. Về phía nhà trường cần tích cực tổ chức các lớp học an toàn giao thông, hướng dẫn học sinh các điều luật đảm bảo an toàn, cách điều khiển phương tiện giao thông đúng cách. Cùng với đó là việc phối hợp với phụ huynh giáo dục những em học sinh vi phạm. Song song đó, phụ huynh cần có trách nhiệm với con em mình hơn. Trước mắt là việc không giao phương tiện cho các em chưa đủ độ tuổi, điều khiển. Điều này sẽ hạn chế các tai nạn liên quan đến các em trong lứa tuổi học sinh và giúp cho các bậc phụ huynh tránh những hệ lụy khi có tai nạn xảy ra.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, mới tác động lâu dài đến nhận thức, ý thức, làm thay đổi hành vi của các em nhằm nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông, chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông trong học đường.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhiều phương tiện giao thông thủy, bè nổi ở Đa Mi không đảm bảo an toàn
UBND xã Đa Mi cho biết, có tình trạng người dân sử dụng phương tiện giao thông đường thủy, bè nổi để đi lại, chở khách du lịch ở 2 hồ Hàm Thuận và Đa Mi, nhưng đều không đảm bảo an toàn..
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm thiểu tai nạn giao thông ở học sinh: Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội