Theo dõi trên

Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thanh long: Giải pháp nào tăng hiệu quả?

19/08/2022, 05:33

Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời giúp nông dân, người kinh doanh ý thức được các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

Rào cản kỹ thuật

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện một số quốc gia yêu cầu trái cây từ phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu, trong đó có thanh long Bình Thuận. Trước đây, các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật cấp căn cứ theo rà soát của UBND tỉnh. Đến năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật chính thức giao việc giám sát và quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu cho địa phương. Từ đó đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thực hiện kiểm tra, hướng dẫn cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn.

dan-tem-chi-dan-dia-ly-cho-trai-thanh-long-anh-nl-5-.jpg
Dán tem chỉ dẫn địa lý cho thanh long xuất khẩu (ảnh N.Lân)

Bà Nguyễn Thị Phương Vinh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, tổng số mã vùng trồng thanh long xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 574 mã. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã kiểm tra để cấp mã số cho 29 vùng trồng đối với sản phẩm trái thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản và 13 cơ sở đóng gói sản phẩm trái thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói này đều đạt yêu cầu.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn của tỉnh cho thấy, việc thực hiện quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh có thuận lợi, khi thanh long là cây trồng chủ lực, sản lượng xuất khẩu lớn. Do đó UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý, cấp, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thanh long nói riêng cũng như các cây trồng khác.

Về phía Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các công văn chỉ đạo thực hiện việc quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Qua đó, kịp thời chỉ đạo các địa phương thực hiện các yêu cầu nhằm phục vụ xuất khẩu.

z3652124435045_da6f2c6d8559e736232464a10800d50f.jpg
Đóng gói thanh long xuất khẩu (ảnh K.H)

Tìm cách gỡ khó

Tuy vậy, hiện nay việc cấp mã số cơ sở đóng gói mã số vùng trồng vẫn còn những khó khăn nhất định. Bởi Trung Quốc đang áp dụng chính sách Zero - Covid nên tăng cường kiểm soát. Đáng lo ngại, khi giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài (đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay), cùng với giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, khiến người dân khó duy trì sản xuất. Mặt khác, cũng do giá thanh long thấp, một bộ phận nông dân bất mãn nên việc thực hiện các quy định về ghi chép nhật ký, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của mã số vùng trồng còn gặp khó khăn. Song song, vẫn còn tình trạng sử dụng không đúng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Tuy nhiên, phía địa phương không được cung cấp thông tin về việc xuất hàng của các cơ sở tại cửa khẩu nên khó quản lý việc sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của các đơn vị trên địa bàn. Ngoài ra, các loại thuốc đăng ký phòng trừ sâu bệnh trên cây thanh long còn ít, không phổ biến trên thị trường nên người dân ít có sự lựa chọn trong việc sử dụng thuốc để đáp ứng quy định cũng như đảm bảo việc phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại trên vườn.

z3652123846708_dad6c3a810f090ec2683ec197ad13f5b.jpg
Sơ chế thanh long xuất khẩu (ảnh K.H)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đạt hiệu quả, sở đã đề ra một số giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân duy trì việc sản xuất, ghi chép nhật ký nhằm truy xuất nguồn gốc. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thanh long hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long còn rất lớn, tiềm năng như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia...

Đồng thời, quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu. Hạn chế tối đa việc các tổ chức, cá nhân sử dụng không đúng mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu. Đẩy nhanh tốc độ thực hiện các thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thanh long nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện việc xuất khẩu thuận lợi và đảm bảo quy định.

Mã số vùng trồng và hoặc mã số cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói. Qua đó, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sơ chế đóng gói, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ứng dụng đèn Led 5W chuyên dụng trong sản xuất thanh long
BTO- Sáng nay (29/7), Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề về kết quả ứng dụng Led 5W chuyên dụng trong điều khiển ra hoa cây thanh long. Tham dự hội thảo có một số sở ngành liên quan và hơn 150 nông dân tiêu biểu trong sản xuất thanh long trong tỉnh.
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thanh long: Giải pháp nào tăng hiệu quả?