Theo dõi trên

Quy hoạch tỉnh - mở ra tầm nhìn và cơ hội phát triển

19/03/2024, 05:29

Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian liên quan đến các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn liền với phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác và sử dụng hiệu quả các “nguồn lực kinh tế” và “nguồn lực phi kinh tế” của đất nước và địa phương phục vụ mục tiêu phát triển.

Xác định quy hoạch tỉnh phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, có tính định hướng; Bình Thuận xác định quy hoạch tỉnh phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh của các địa phương Duyên hải Nam Trung bộ, với lợi thế của Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó tạo tiền đề để phát triển nhanh, bền vững. Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Công bố vào 28/2/2024 sẽ là tiền đề quan trọng để Bình Thuận phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, gắn với xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

c-n.-lan-1-.jpg

Quy hoạch tổng thể đóng vai trò quan trọng như một “công cụ” quản lý và định hướng, do đó quy hoạch của Bình Thuận phải luôn “đi trước” để “mở đường” để “dẫn dắt” quá trình phát triển toàn diện. Đặc biệt, quy hoạch tỉnh tốt với tầm nhìn chiến lược sẽ là cơ sở, nền tảng cho việc hoạch định các chính sách phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương. Việc hoàn thiện, phê duyệt và công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ sở, tiền đề, điều kiện đánh thức tiềm năng, dư địa, lợi thế, tạo bước đột phá, mở ra tầm nhìn mới cho Bình Thuận trong tiến trình phát triển của tỉnh với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Nhận thức rõ ý nghĩa, sự quan trọng của công tác lập quy hoạch tỉnh trong xây dựng tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển lâu dài; với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, địa phương, sau một thời gian, bản quy hoạch được hoàn thành, phê duyệt và công bố. Trong bức tranh quy hoạch mới đã sắp xếp lại những “mảng màu” kinh tế - xã hội không hợp lý trước đây, tạo nên những “mảng màu” mới, đậm nét trên cơ sở phân tích lợi thế so sánh và các điều kiện tự nhiên, dư địa của tỉnh. Bức tranh phát triển kinh tế - xã hội được bố trí cân xứng, hài hòa cả trong tỉnh và khu vực nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả, bền vững, tạo ra những nét “riêng có” của tỉnh Bình Thuận.

Với dư địa, tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để tỉnh Bình Thuận bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo bứt phá vươn lên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và cộng đồng người dân, doanh nghiệp, Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; tiềm năng, lợi thế của tỉnh được phát huy. Tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức khá, GRDP năm 2023 đạt 8,1%; quy mô kinh tế ngày càng được mở rộng. Bình Thuận luôn xác định công tác quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải đi trước một bước. Đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.

Có thể nói, quy hoạch mới đã mở ra nhiều không gian phát triển toàn diện cho 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh định hướng huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực, tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát huy tốt nhất các lợi thế so sánh, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo đột phá trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Chính quyền Bình Thuận cam kết luôn mở rộng cửa để đón chào, đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời và hiệu quả những khó khăn, vướng mắc đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo dựng hệ sinh thái phát triển tốt nhất. Đặc biệt, với phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch, luôn nhất quán quan điểm: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh, lấy kinh tế số, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận theo hướng nhanh và bền vững.

Quy hoạch tỉnh là cơ hội đánh giá tiềm năng, thế mạnh cũng như “điểm nghẽn”, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để hiện thực hóa được những mục tiêu trong quy hoạch, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận đề ra nhiều phương án đột phá. Tỉnh sẽ tập trung triển khai kịp thời các kế hoạch, các đề án nhằm cụ thể hóa quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng theo quy định pháp luật. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là chuyển đổi số; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ ngành kinh tế mũi nhọn; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cam kết sẽ nỗ lực, năng động, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư là trung tâm phục vụ; chấn chỉnh, nâng cao đạo đức công vụ, lấy lợi ích và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo của sự phát triển; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không đùn đẩy trách nhiệm; quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển theo quy hoạch.

Từ quy hoạch mới, Bình Thuận nhận diện đúng tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, xác định rõ điều kiện “cần và đủ” bảo đảm chuyển hóa từ “lợi thế so sánh” thành “lợi thế cạnh tranh” trong vùng và cả nước, trên cơ sở đó, hiện thực hóa tiềm năng - lợi thế thành lợi ích phát triển tỉnh nhà trong thời gian sớm nhất.

DỤNG VĂN DUY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi ngày càng được cải thiện
Sáng 12/3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi (NCT) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác NCT năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Nổi bật
“Mở lối” cho du lịch phát triển
Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Chính vì thế, tỉnh rất chú trọng đến việc đầu tư vào hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng thời gian đi lại của du khách khi đến với Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch tỉnh - mở ra tầm nhìn và cơ hội phát triển