Theo dõi trên

Quyết tâm công phá “tảng đá” trách nhiệm.

23/08/2024, 05:07

Bài cuối: Những “liều thuốc” mang tính quyết định

Chữa “căn bệnh sợ trách nhiệm” - Kỳ 3, đã chứng minh những hệ lụy của “căn bệnh sợ trách nhiệm”, đồng thời nêu lên những “toa thuốc đặc trị” của Bình Thuận để chữa trị “căn bệnh” trên. Những “toa thuốc đặc trị” riêng của Bình Thuận đã từng bước phát huy tác dụng, song để trị dứt điểm căn bệnh trên, cần những “liều thuốc” mang tính quyết định, đó chính là “cơ chế và con người”.

Cơ chế bảo vệ

Điều cần nhất lúc này chính là cần phải có những cơ chế cụ thể nhất để khuyến khích, bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm. Những cơ chế này được ví như những “chiếc đai bảo hiểm” để cán bộ, đảng viên công chức, viên chức vượt qua nỗi sợ hãi giữa “lằn ranh” đúng – sai.

bao-ve-can-bo-1682529766707.jpeg
Ảnh minh họa.

Và một trong những cơ chế quan trọng, được xem như “luồng gió mới” đó chính là Kết luận số 14- KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Cốt lõi của tinh thần Kết luận 14 chính là “khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế...”. Đây là quyết sách rất đúng đắn và kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Kết luận 14 cũng đã nhấn mạnh: “… việc đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm…”. Đồng thời để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NÐ-CP. So với Kết luận 14, Nghị định 73 có phạm vi hẹp hơn. Tuy nhiên, Nghị định 73 quy định rất rõ về nội dung với 3 mức gồm: Khoản 1 Điều 11 quy định nếu cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 thì không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan (hình sự, dân sự, trách nhiệm bồi thường…); Khoản 2 Điều 11 quy định được loại trừ trách nhiệm đó, nghĩa là có trách nhiệm nhưng được loại trừ; Khoản 3 Điều 11 quy định được xem xét miễn hoặc giảm. Đặc biệt mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tại Khoản 2, Điều 4, Chương II của Quy định số 148-QĐ/TW chỉ rõ, cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao là căn cứ để tạm đình chỉ công tác. Theo đó, với Quy định này, người đứng đầu được phép mạnh tay với những trường hợp cán bộ công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” với tư tưởng “không làm, không sai” hay “ngồi im để an toàn”. Và đây cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Những “cơ chế” trên ra đời đã khẳng định quan điểm bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Đảng ta. Vấn đề còn lại, là các địa phương, đơn vị phải đưa “cơ chế” đi vào cuộc sống, cụ thể hóa thành những điều, khoản cụ thể trong quy chế làm việc và quy trình công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời cần đánh giá xem cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng. Đặc biệt, mỗi cán bộ công chức, viên chức cần nghiên cứu sâu kỹ các quy định để thực hiện nhiệm vụ công việc của mình.

images-3-.jpg
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh:NLĐ)

Yếu tố con người

Khi cơ chế đã được ban hành, những bước thực hiện cũng đã dần được triển khai. Việc còn lại nằm ở yếu tố con người. Trở lại câu chuyện mô hình nuôi sò lông ở Thuận Quý, mà chúng tôi đã đề cập trong Kỳ 1. Vấn đề mấu chốt của câu chuyện này, đó là lá đơn được gửi đến các cơ quan chức năng khi chưa có một quy định cụ thể nào từ Trung ương đến địa phương về nội dung này. Và khi ấy, những người cán bộ ngành thủy sản chỉ cần trả lời với dân rằng: chưa có quy định, chưa có cách làm, thì mọi trách nhiệm sẽ được rũ bỏ, buông xuôi. Nhưng không, thời điểm đó, những cán bộ ngành thủy sản, mà đặc biệt là người đứng đầu đã chọn cùng đồng hành với ngư dân bằng tất cả trách nhiệm của mình, để tìm ra hướng đi có lợi cho dân và kết quả đã được chứng minh khi người dân thực sự đổi đời tại vùng quê nghèo Thuận Quý. Đồng thời, trên cơ sở thực tế tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu cách làm này, luật hóa thành một điều luật mới, điều 10 trong Luật Thủy sản năm 2017 và áp dụng thực hiện năm 2019 để triển khai rộng rãi trong cả nước. Ngược dòng lịch sử, chúng ta không thể không nhớ câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ra một quyết định khó nhất trong đời cầm quân của ông, đó chính là thay đổi chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu Đại tướng không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chắc chắn Đại tướng sẽ không bao giờ thay đổi cách đánh đã được thông qua. Để rồi sự thay đổi mang tính quyết định ấy đã làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Và mới đây nhất, sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn của cả dân tộc và bạn bè quốc tế, bởi ông là tấm gương sáng ngời, là nguồn cảm hứng vô tận, tiếp thêm động lực để mỗi cán bộ, đảng viên ra sức, nỗ lực học tập, tu dưỡng và rèn luyện. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho nhân dân, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu: “Hãy giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được trong sạch”. Đặc biệt trong suốt hai nhiệm kỳ gần đây là khóa XII và XIII của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự đã trở thành hạt nhân trung tâm của sự đoàn kết; quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy mà đã có hàng loạt cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật, thậm chí là đưa ra xét xử, đúng như quan điểm của cố Tổng Bí thư trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Từ thực tế trên cho thấy, ở bất cứ thời điểm nào đi chăng nữa, nếu như người đứng đầu quyết liệt dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và những cán bộ thực thi công việc dù không đủ thẩm quyền để chịu trách nhiệm nhưng với quyết tâm với mục tiêu: “Cái gì tốt, có lợi cho dân thì làm”, chúng ta mới có những câu chuyện “xé rào” thành công. Bác Hồ từng căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Từ lời dặn của Người chúng ta nhận ra rằng, không một cán bộ, đảng viên nào “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” lại sợ hãi, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi tổ chức giao việc. Và cũng không có cán bộ, đảng viên nào “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” lại ích kỷ, hẹp hòi và tham lam vô độ cả... Khắc ghi lời dặn đó, mỗi cán bộ, đảng viên công chức, viên chức phải biết vun bồi, nuôi dưỡng ý thức về trách nhiệm công việc; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tránh xa và không dính đến với vòng danh lợi, luôn suy nghĩ và hành động vì lợi ích của nhân dân… thì chúng ta sẽ “công phá thành công tảng đá trách nhiệm”.

Xin mượn những lời thơ của nhà thơ Tố Hữu để kết lại loạt bài: “Yêu biết mấy, những con người đi tới/ Hai cánh tay như hai cánh bay lên/Ngực dám đón những phong ba dữ dội/ Chân đạp bùn không sợ các loài sên…”. “Những con người đi tới”, chính là những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngày hôm nay. Tin rằng, họ sẽ chấp nhận những “phong ba” với đích đến vì nước, vì dân.

Từ thực tế trên cho thấy, ở bất cứ thời điểm nào đi chăng nữa nếu như người đứng đầu quyết liệt dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và những cán bộ thực thi công việc dù không đủ thẩm quyền để chịu trách nhiệm nhưng với quyết tâm với mục tiêu: “Cái gì tốt, có lợi cho dân thì làm”, chúng ta mới có những câu chuyện “xé rào” thành công.

Bài 3: Chữa “căn bệnh sợ trách nhiệm”

THANH NHÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quyết tâm công phá “tảng đá” trách nhiệm
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Chính vì vậy mà công việc được thực hiện nhanh hay chậm, hiệu quả tốt hay xấu, người dân hài lòng hay bất mãn… phụ thuộc rất lớn vào ý thức, thái độ, trách nhiệm, tâm thế và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết tâm công phá “tảng đá” trách nhiệm.